TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Có hay không việc làm trái quy định trong thoái vốn Nhà nước ở Công ty du lịch Hương Giang ?

Vĩnh Yên, Công Điền (VTV8)Cập nhật 18:52 ngày 02/06/2018

VTV.vn - Về vấn đề thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế), liệu có hay không những khuất tất hoặc làm sai quy định ?

Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang, với khối khách sạn được xây dựng bên bờ sông Hương -một vị trí đẹp ở Huế, từng là niềm tự hào của ngành du lịch Thừa Thiên Huế. Sau cổ phần hóa từ tháng 1/2008, vốn nhà nước trong đơn vị này chiếm tỷ lệ chi phối với 62,68% trên vốn điều lệ. Tuy nhiên, liên tục trong các năm 2014, 2015, 2016 doanh nghiệp này đều làm ăn thua lỗ. Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các ban ngành chức năng, tiến hành quy trình, thủ tục thoái vốn theo các quy định của Nghị định 51, Nghị định 71 và mới đây nhất là Nghị định 91. 

Ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định số 624 về việc phê duyệt nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty CP Hương Giang, với số tiền chuyển nhượng hơn 158 tỷ đồng. Có nghĩa là thương vụ này được thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư, thay vì bán đấu giá, và đây cũng là một trong những vấn đề lớn khiến dư luận hoài nghi .

Việc thực hiện thoái vốn đã được tiến hành theo quy trình, trong đó khâu thẩm định, định giá tài sản là hết sức quan trọng, để đảm bảo tài sản của nhà nước không bị thất thoát. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã 2 lần chọn 2 đơn vị tư vấn, gồm Công ty CP chứng khoán Bản Việt và Công ty CP thông tin và thẩm định giá miền Nam. Các đơn vị trên đều nằm trong danh sách được Bộ Tài chính cho phép hoạt động trong lĩnh vực này. Kết quả định giá đưa ra vào khoảng cuối năm 2015 của Công ty Bản Việt là 11.600 đồng/cổ phiếu và Công ty miền Nam là 12.066 đồng/cổ phiếu .

Cần nói thêm rằng, sau cổ phần hóa vào năm 2008 đến nay, đất mà Công ty du lịch Hương  Giang đang tọa lạc được thuê của Nhà nước, trả tiền theo từng năm, không được trả tiền cả 50 năm và chỉ dùng vào mục đích làm du lịch. Theo quy định hiện hành, lợi thế về đất đai không được tính để định giá tài sản. Hay nói cách khác, đất đó không được chuyển nhượng khi thoái vốn nhà nước. Mặt khác, so sánh với một số thương vụ do tư nhân chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty Du lịch Hương Giang ở cùng thời điểm mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thì giá chỉ giao động trong khoảng 5000 đồng/ 1 cổ phiếu.

Đến đây, có thể khẳng định việc thoái vốn nhà nước ở Công ty du lịch Hương Giang đã được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của nhà nước và được chuyển nhượng với giá cao nhất tại thời điểm đó. Vấn đề còn lại là người dân, cũng như lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đang trông đợi: Bitexco sẽ thể hiện vai trò là nhà đầu tư chiến lược như thế nào, để góp phần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành du lịch Thừa Thiên Huế phát triển như đã cam kết. Và thời gian sẽ có câu trả lời.

                                                                        Thực hiện: Vĩnh Yên, Công Điền

           

Quảng Ngãi tổ chức chuỗi sự kiện kích cầu du lịch

VTV.vn - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp huyện đảo Lý Sơn tổ chức Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi và Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch Lý Sơn năm 2024.