TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

[Tiêu điểm]: Cấp bách bảo vệ đàn voi tại miền Trung và Tây Nguyên

Hoàng Thái, Tấn Chiến, Thanh Nga, Long Hiệp, Quang Tiến, Thiện Linh (VTV8)Cập nhật 22:42 ngày 27/12/2017

VTV.vn - Theo thời gian số lượng voi rừng càng ngày càng giảm sút. Loài voi có nguy cơ tuyệt chủng là vấn đề được các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã liên tục cảnh báo.

Việc phát hiện các cá thể voi tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã dập tắt mọi đồn đoán về sự tuyệt chủng của giống voi rừng từng tồn tại hàng trăm năm ở đây. Những ghi nhận tại Vườn Quốc gia Vũ Quang – Hà Tĩnh cũng đã cho thấy những tiến triển mới trong công tác bảo tồn, bảo vệ voi rừng. Mới đây tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập trung tâm bảo tồn voi tại huyện Nông Sơn với quy mô diện tích gần 19.000 ha, kinh phí được rót vào dự án này lên đến 24 triệu USD với mục tiêu bảo vệ sinh cảnh cho một trong những quần thể cuối cùng của loài voi châu Á đang nguy cấp tại Quảng Nam.

Theo một thống kê mới đây, hiện tại voi hoang dã ở Việt Nam chỉ còn khoảng 110 cá thể, tập trung đông nhất ở Vườn Quốc gia Yok Đôn với khoảng 70 cá thể. Ngoài ra tại Đắk Lắk cũng còn 61 con voi nhà nằm ở rải rác 1 số huyện. Các chuyên gia nhận định, nếu không có những giải pháp, chiến lược bảo vệ thì đàn voi rừng và voi nhà tiếp tục bị giảm sút số lượng và đứng trước nguy cơ chỉ còn trong ký ức. Tuy đã có những luật định được ban hành, song công tác bảo tồn voi hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thực trạng buôn bán trái phép sản phẩm về voi vẫn diễn ra.

Trên thực tế, nguy cơ khiến số lượng voi suy giảm vẫn rình rập. Ghi nhận tại Buôn Đôn cho thấy, nếu như trước đây khi đặt chân đến Buôn Đôn, mọi người đều dễ bắt gặp hình ảnh voi lớn, voi con tại các buôn làng thì nay đã không còn nữa, hoặc có cũng chỉ là những chú voi già phục vụ du lịch. Một trong những lý do khiến công tác bảo tồn, bảo vệ voi gặp khó khăn và không như ý muốn, đó là phát triển kinh tế ở khu vực miền núi đã khiến cho vùng sinh cảnh cho đàn voi ngày càng bị thu hẹp, xuống cấp; tập tính sinh học của chúng bị rối loạn, ảnh hưởng lớn đến sinh sản phát triển cá thể voi và quần thể. Xung đột người - voi ngày càng gia tăng bởi sự lấn chiếm, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của con người ở những nơi voi sinh sống, khiến cho mối quan hệ voi với người ngày càng khó dung hòa. Và xu thế voi bị giết là điều đã được chứng thực.