TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Quảng Nam bất lực trong quản lý khai thác vàng

Đỗ Vinh, Hoàng Thái, Quang Hưng (VTV8)Cập nhật 16:39 ngày 15/07/2018

VTV.vn - Giấc mơ đổi đời của những phu vàng. Lòng tham của những ông chủ hầm vàng không là câu chuyện cũ. Quảng Nam đang bất lực trong quản lý khai thác vàng.

Quảng Nam là một trong những địa phương có trữ lượng vàng lớn nhất miền Trung. Ngoài 2 mỏ vàng lớn nhất cả nước đó là Bồng Miêu của huyện Phú Ninh và Đắk Sa – Phước Sơn rất nổi tiếng, hầu hết 9 huyện miền núi của tỉnh này đều có các điểm quặng vàng nằm rải rác ở sông suối. Nhiều năm nay, Quảng Nam luôn là điểm nóng về khai thác vàng. Dù có lúc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ra quân đẩy đuổi, truy quét; ban hành nhiều văn bản hành chính để chấn chỉnh nhưng tình trạng khai thác vàng theo kiểu bát nháo đâu lại vào đó. Và hệ lụy khai thác vàng thì ngày một rõ ràng hơn.

Khai thác vàng được xem là hoạt động nguy hiểm nhất trong nghề khai thác mỏ. Con số 27 người chết trong 5 năm gần đây tại các hầm vàng ở Qủang Nam chỉ là con số bề nổi. Thực tế có bao nhiêu người chết thì khó mà thống kê được bởi sự việc xảy ra trong rừng sâu núi thẳm, nhiều khi chủ hầm vàng thương lượng với gia đình là coi như xong. Nhưng có một thực tế không ai phủ nhận đó là tại tỉnh Quảng Nam, hầu như năm nào cũng có tai nạn hầm vàng làm chết người. Nguy hiểm là vậy nhưng nhiều người vẫn bán mạng tại các hầm vàng chỉ vì miếng cơm manh áo. 

Chuyện sống chết ở bãi vàng thật mong manh. Những bãi vàng – nhiều người gọi đó là địa ngục vàng dường như cách biệt với thế giới bên ngoài và nơi đó có luật riêng. Tại Quảng Nam, vì bị vắt kiệt sức, bị hành hạ dã man nên gần đây, nhiều phu vàng liên tục bỏ trốn ra khỏi địa ngục này. Không chỉ có vậy, khai thác vàng để lại hệ lụy rất thảm khốc hơn đó là hủy diệt môi trường. Các bãi vàng gốc được cấp phép cũng như không phép có một điểm giống nhau đó là sử dụng hóa chất kịch độc đó là cyanua, thủy ngân để lắng vàng. Điều này khiến những con sông, dòng suối đầu nguồn nước ô nhiễm trầm trọng, đe dọa đến sức khỏe người dân.

Khai thác vàng như đã phản ảnh để lại những hệ lụy tồi tệ cho môi trường. Và người dân vùng hạ du có thể là đã và sẽ phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nói trên. Điều đáng nói là nhiều bãi vàng khai thác trái phép, không được cấp quota thì làm sao mua được hóa chất cấm cyanua và thủy ngân để khai thác vàng? Trách nhiệm này thuộc về ai? 

Đà Nẵng khai mạc Lễ Hội Quán Thế Âm

VTV.vn - Sáng nay, 28-3 (nhằm ngày 19-2 Âm lịch), tại Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, UBND thành phố Đà Nẵng đã khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024.