TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

[Tiêu điểm] Rủi ro từ thế chấp số bảo hiểm xã hội để vay tiền

Hoàng Thư, Trung Việt (VTV8)Cập nhật 12:17 ngày 11/01/2018

VTV.vn - Thế chấp sổ BHXH để thực hiện các hợp đồng tín dụng tại ngân hàng thương mại có được pháp luật cho phép? Và thực chất có ảnh hưởng như thế nào đến trật tự xã hội?

Thời gian gần đây, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên nhận được công văn từ phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại, đề nghị phối hợp ngăn chặn cấp mới sổ bảo hiểm xã hội và chi trả chế độ cho người lao động đã đem sổ bảo hiểm xã hội thế chấp để vay tiền. Ở một số địa phương đã có tình trạng, sau khi đem thế chấp, người lao động báo mất sổ để làm lại sổ mới.

Chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng người lao động thế chấp sổ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng. Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, người lao động có toàn quyền quản lý, sử dụng sổ bảo hiểm xã hội hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật. Và đây chính là cơ sở để phát sinh hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với người lao động. Luật bảo hiểm xã hội mới cũng cho phép người lao động có thể xin cấp lại sổ bảo hiểm ở bất cứ đâu nhưng với cách quản lý thống nhất hiện nay, sẽ không thể xảy ra việc chi trả chế độ trùng lắp từ phía cơ quan bảo hiểm. Vấn đề còn lại là việc thế chấp sổ bảo hiểm xã hội có được pháp luật cho phép?

Việc thế chấp sổ bảo hiểm xã hội sẽ đơn giản chỉ là một hợp đồng dân sự bằng thỏa thuận của các bên, với điều kiện pháp luật đã có những quy định cụ thể khi xảy ra tranh chấp. Thế nhưng vì chưa có quy định rõ ràng nên việc thế chấp bằng sổ bảo hiểm xã hội cần được cân nhắc bởi rủi ro có thể xảy ra với cả hai bên.