Giao thông hỗ trợ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Đặng Tú (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 13/12/2015 21:36 GMT+7

VTV.vn - Hệ thống giao thông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang dần được hoàn thiện sẽ hỗ trợ phát triển cho nền kinh tế tại đây.

Đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây và 58% sản lượng thủy sản nuôi trồng hàng năm. Đó là những gì mà khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang nắm giữ trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay.

Trong thời gian tới, những con số này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng lên không chỉ về tỷ trọng mà quan trọng hơn là về giá trị hàng hóa. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự gia tăng này chính là nhờ hệ thống giao thông của khu vực ĐBSCL đang dần được hoàn thiện.

Cua biển - một trong những sản vật của vùng đất Năm Căn, tỉnh Cà Mau ngày càng được nhiều người biết đến. Điều này một phần xuất phát từ khi các tuyến đường bộ được đưa vào khai thác, qua đó giúp cua đến được mọi miền với giá bán rẻ hơn, chất lượng tươi hơn nhiều so với trước. Do vậy, việc bán được hàng tạ cua mỗi ngày là chuyện đột biến trước đây nay đã trở thành chuyện bình thường ở những cửa hàng.

Không chỉ những ngành nghề tiềm năng của địa phương đã phát triển, nhiều lĩnh vực mới ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bắt đầu nâng quy mô sản xuất khi chi phí về giao thông không còn là gánh nặng như trước.

Trong giai đoạn 2010-2015, tổng vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt hơn 175.000 tỷ đồng. Hiện hàng loạt các dự án lớn đang được khẩn trương xây dựng. Đây đã trở thành động lực cho nhiều địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mang lại tăng trưởng cao cũng như cải thiện đáng kể chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn từ 2016 - 2020, Bộ sẽ tiếp tục huy động gần 290.000 tỷ đồng để đầu tư và dần hoàn thiện cho các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã xây dựng đề án liên kết các loại hình giao thông nhằm phát huy hiệu quả đầu tư cũng như phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí vận chuyển trong nước đang chiếm khoảng 15-20% GDP và đang cao hơn 50-70% so với các nước phát triển. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ không chỉ sẽ góp phần giảm chi phí này mà còn giúp tăng sức cạnh tranh hàng hóa của quốc gia trong bối cảnh Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.​

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước