Hôm nay (28/9), bắt đầu khai Hội đền Kiếp Bạc

Phạm Chức - Đình Quyền (Đài PT - TH Hải Dương)-Thứ hai, ngày 28/09/2015 11:44 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay (28/9), Hội đền Kiếp Bạc sẽ bắt đầu khai hội tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, tưởng nhớ 715 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Nói tới Côn Sơn là nói tới mảnh đất lịch sử lâu đời, là nói về một trong những trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đệ nhất Tổ - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ - Pháp Loa và Đệ tam Tổ - Huyền Quang Tôn Giả đã về đây hoằng dương thuyết pháp, xây dựng chùa Hun (tức chùa Côn Sơn) thành chốn tổ đình, một thiền viện lớn nổi tiếng của Triều Trần. Cảnh sắc thiên nhiên và con người tạo dựng cho Côn Sơn thành một "Đại thắng tích". Ở đây có núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc, với rừng thông bát ngát; có Bàn Cờ Tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc; có Ngũ Nhạc linh từ...

Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang. Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long. Nơi đây trời bày, đất dựng; vị trí đắc địa về phong thủy; hình thế hiểm yếu về quân sự; có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng. Nơi đây gắn liền với thân thế sự nghiệp của Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo cùng nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tháng 6/1285, tại đây, Hưng Đạo Vương đã tập hợp 20 vạn quân, hơn 1.000 thuyền chiến đánh trận Vạn Kiếp, tiêu diệt 20 vạn quân Nguyên Mông, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ hai. Tháng 3/1288, từ căn cứ Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương cùng vua Trần Nhân Tông tổ chức phản công đánh trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng, tiêu diệt 30 vạn quân giặc, kết thúc thắng lợi 3 lần kháng chiến chống Đế quốc Nguyên Mông.

Đền Kiếp Bạc được dựng lên để tưởng nhớ công lao to lớn đối với non sông, đất nước của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Có thể nói, mỗi cảnh sắc, hiện vật, dấu tích ở Kiếp Bạc đều gợi về bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất có bề dày văn hóa hiếm có. Ở đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ. Tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, hiện hữu trên mỗi công trình, từng chi tiết kiến trúc, trên các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối, cùng các tầng văn hóa dưới lòng đất. Di sản văn hóa phi vật thể quý giá vô cùng phong phú ở đây lưu giữ trong các văn bản, trong truyền thuyết và các nghi thức cúng tế, trong các hoạt động lễ hội.

Hiếm ở đâu có nhiều trí thức, những nhà văn hóa đến thăm viếng như ở nơi này. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng về thăm và đọc văn bia ở Côn Sơn bằng sự trân trọng thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt với cổ nhân. Những giá trị lịch sử, văn hoá của Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng với danh thơm, sự nghiệp của các bậc vĩ nhân đã toả rọi hào quang vào lịch sử và văn hoá dân tộc. Sự linh thiêng của đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn sẽ tồn tại vĩnh hằng cùng non sông đất nước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước