Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Bình Thuận bị xâm hại

Trâm Anh (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 26/12/2015 22:39 GMT+7

VTV.vn - Thay vì phải là những loại cây bản địa của khu bảo tồn, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận chỉ toàn là những vườn thanh long.

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã ồ ạt trồng cây thanh long, vốn là cây không có nguồn gốc bản địa, trong phạm vi của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng các ngành chức năng và chính quyền địa phương ở tỉnh Bình Thuận, vẫn còn lúng túng và đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý dứt điểm tình trạng này.

Do giá trị kinh tế từ cây thanh long mang lại trong những năm gần đây, nhiều người dân có đất canh tác trong phạm vi của khu bảo tồn đã ồ ạt chuyển sang trồng thanh long.

Từ năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú thuộc địa bàn xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam với diện tích 11.866 ha. Trước khi được xác lập đã có 630 hộ dân canh tác, sinh sống xung quanh và bên trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Thế nhưng, khi thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, các ngành chức năng không ra quyết định thu hồi đất, di dời các hộ dân có đất đang canh tác ra khỏi khu bảo tồn nên trong năm 2015, đã xảy ra 20 trường hợp trồng thanh long trên diện tích hơn 9ha, tăng 17 trường hợp so với năm trước.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho rằng xử lý việc trồng cây sai mục đích trên đất khu bảo tồn không thuộc thẩm quyền, chức năng của Ban. Ban quản lý chỉ có thể lập hồ sơ đề nghị chính quyền địa phương có công dân vi phạm để xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không cho rằng như vậy.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú là tài sản quốc gia, sử dụng cho mục đích lâm nghiệp, phát triển rừng, phát triển đa dạng sinh học bảo vệ nguồn gen quý hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng, không được phép trồng bất kỳ loại cây nào không có nguồn gốc bản địa. Trong khi khu bảo tồn đang bị xâm hại thì cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở tỉnh Bình Thuận vẫn còn đang lúng túng trong vấn đề xử lý. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bảo vệ và phục hồi môi trường rừng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước