PTTg Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ biển Hội An

Theo Báo ĐT Chính phủ-Thứ hai, ngày 30/11/2015 18:09 GMT+7

Hiện trạng sạt lở tại Hội An

VTV.vn - Chiều 30/11, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến kiểm tra thực trạng biển xâm thực khu vực bờ biển Hội An và chỉ đạo biện pháp ứng phó.

Trong năm 2014, tình trạng xâm thực mạnh bờ biển đã làm hư hại nhiều công trình và khu du lịch ven biển. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo TP. Hội An khắc phục khẩn cấp tình trạng xâm thực bờ biển tại khu vực bãi tắm công cộng Cửa Đại bằng cách đóng cọc cừ larsen dọc bờ biển dài 400m, kết hợp thi công bằng túi địa kỹ thuật áp mái, với tổng kinh phí thực hiện 25 tỉ đồng.

TP. Hội An cũng hỗ trợ nhân dân khu vực thực hiện việc phòng chống sạt lở. Đến nay, công việc đã hoàn thành, phần nào hạn chế được tình trạng xâm thực bờ biển tại khu vực này. Tuy nhiên, tình trạng sóng lớn (cao 2 - 4 m) vẫn tiếp tục gây sạt lở hàng trăm mét bờ biển, một số vị trí sạt lở sâu vào đất liền hơn 10m.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kể từ đầu tháng 11/2015 đến nay, bờ biển Cửa Đại đoạn tiếp giáp với tuyến kè mềm bằng bao địa kỹ thuật nằm ở phía Bắc bãi biển dài khoảng hơn 250m, sóng đánh mạnh làm mép bờ bị sạt lở nặng, tạo thành dốc đứng (có nơi cao 4m). Toàn bộ hệ thống tường kè bảo vệ trước khu vực này bị hư hỏng hoàn toàn, có đoạn vị trí sạt lở sâu hơn 10m, ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng, các dự án du lịch và đe dọa nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của các hộ kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trước tình hình đó, UBND TP. Hội An đã kè tạm 2 hàng cọc tre kết hợp mành tre, gia cố bằng bao cát, vải địa kỹ thuật để hạn chế sạt lở sâu hơn; tiến hành đổ bù cát thêm vào những điểm sạt lở để tạo mái ta luy, trải vải địa kỹ thuật và gia cố bằng bao cát loại nhỏ. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, đến ngày 27/11, toàn bộ cọc tre, bao cát đã gia cố bị sóng biển đánh sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân dân khu vực vùng tiếp giáp.

Tình hình này cũng khiến lượng khách du lịch đến nghỉ dưỡng, ăn uống, tắm biển giảm 50 - 80%, có nơi, các nhà đầu tư đã phải bỏ hoang dự án do sóng xâm hại mạnh vào công trình...

Trực tiếp kiểm tra hiện trạng sạt lở của bờ biển Hội An và chứng kiến tình trạng sóng đánh mạnh vào bờ gây xói lở nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành cần hết sức quan tâm đến tình trạng sạt lở, nhất là khu vực 1.300m bị sạt lở mạnh (đây là khu vực bãi tắm công cộng Cửa Đại và dãy nhà hàng ăn uống, hải sản… chuyên phục vụ cho du khách khi đến Hội An).

Theo Phó Thủ tướng, nếu không có những biện pháp khẩn cấp, bãi biển Hội An sẽ biến mất khỏi bản đồ du lịch Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến điểm đến Hội An, Di sản Văn hóa thế giới. Vì vậy, việc trước tiên cần phải xử lý khẩn cấp đoạn 1.300m sạt lở nghiêm trọng và nối tiếp là 7.600m sạt lở toàn đoạn biển Hội An. Cần phải xây dựng kè mềm chống đỡ để sóng không gây xói lở sâu vào khu vực bãi tắm Cửa Đại.

Bên cạnh nguồn ngân sách khẩn cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, tỉnh Quảng Nam cũng cần huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân để cùng nhau bảo vệ bờ biển Hội An, bảo vệ nguồn lợi du lịch.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành xem xét, chủ động đề xuất giải pháp một cách căn cơ hơn cho việc chống xói lở bờ biển trong dài hạn bằng phương pháp kè mềm, đê chắn sóng, bờ cát, đồng thời lên kế hoạch chống sạt lở những khu vực ven sông ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long... trước sự bất thường của thiên nhiên hiện nay.

Trong giai đoạn này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần đặc biệt quan tâm đến sự an toàn cho người dân sinh sống, buôn bán và sinh hoạt trong khu vực sạt lở, không được để xảy ra tình trạng sập nhà, chết người do sạt lở bờ biển...

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước