Năm 2024, có lo thiếu điện?

Tố Uyên-Thứ năm, ngày 09/05/2024 15:59 GMT+7

VTV.vn - Với những giải pháp linh hoạt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, chắc chắn tình trạng thiếu điện như năm 2023 sẽ không lặp lại trong mùa nắng nóng năm nay.

Năm 2024, có lo thiếu điện? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương

Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương nhấn mạnh, với những giải pháp linh hoạt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, chắc chắn tình trạng thiếu điện như năm 2023 sẽ không lặp lại trong mùa cao điểm nắng nóng năm nay.

Theo Quyết định về kế hoạch cung ứng điện năm 2024 và các tháng cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7/2024, Bộ Công thương đã điều chỉnh điện dự phòng năm 2024 và mùa khô (tháng 4 đến tháng 7/2024) lên 111,468 tỷ kWh (tăng 2,3 tỷ kWh/năm so với kế hoạch dự phòng trước đó). Đối với EVN, Bộ này yêu cầu công bố cập nhật Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện. Đồng thời, hàng tháng, EVN phải thực hiện rà soát, cập nhật số liệu, thực hiện tính toán cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho các tháng còn lại trong năm 2024. Trong trường hợp có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện, EVN phải báo cáo Bộ Công thương để có điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, EVN phải theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy...

- Ông Nguyễn Thế Hữu: Trên thực tế, từ cuối năm ngoái, phụ tải điện đã tăng trên 10% và trong 3 tháng đầu năm, tình hình phụ tải điện cả nước tăng trưởng cao vọt so với dự kiến.

Riêng tại miền Bắc, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc 4 tháng qua tăng trưởng khoảng 11%, dự báo có thể lên tới 13% vào tháng 5, 6, 7. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2018.

Trước tình hình đó, để chuẩn bị cung ứng điện cho năm 2024 nói chung và mùa cao điểm nói riêng, ngay từ cuối năm 2023, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch vận hành và cung ứng điện một cách cụ thể và linh hoạt.

Theo đó, để đáp đứng đủ cho nhu cầu điện từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã sử dụng tất cả các nguồn điện hiện có. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0)  đã huy động cao việc sử dụng nhiệt điện, điện năng lượng tái tạo. Theo ước tính, các nguồn năng lượng tái tạo có thể cung cấp 16% sản lượng, nhiệt điện than cung cấp khoảng 60%, còn thủy điện chỉ cung cấp khoảng 12% trong thời gian vừa qua.

Đáng chú ý, các hồ thủy điện được tích mức nước ở mức cao và được vận hành tiết kiệm nước để dồn lực dự phòng cho mùa khô - là mùa cao điểm dùng điện năm 2024.

Ngoài ra, Bộ Công thương còn tăng cường nhập khẩu điện từ Lào. Do đó, việc cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt đã đáp ứng được đầy đủ, ngay cả trong các dịp lễ tết vừa qua.

*Phóng viên: Theo dự báo, nắng nóng năm nay đến sớm hơn, nhiều kỷ lục nhiệt độ có thể được thiết lập. Vậy tình trạng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hệ thống điện và liệu có lặp lại tình trạng thiếu điện trong các tháng cao điểm mùa khô như năm 2023 không, thưa ông? Bộ Công thương có giải pháp, kế hoạch như thế nào để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội?

- Ông Nguyễn Thế Hữu: Chúng ta đều biết, trong thời gian qua, nắng nóng đã xảy ra ở miền Nam từ rất sớm và theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng này có thể kéo dài tới tháng 5. Đối với miền Bắc, hiện đang bắt đầu xuất hiện nắng nóng, chúng tôi dự kiến đến tháng 5 - 6 sẽ là giai đoạn nắng nóng cao điểm, khiến nhu cầu sử dụng điện lên rất cao.

Năm 2024, có lo thiếu điện? - Ảnh 3.

Từ đầu năm đến nay, việc cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt đã đáp ứng được đầy đủ.

Do đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đối với các đơn vị điện lực, các tập đoàn như EVN, TKV, PVN yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho sản xuất điện và khắc phục các sự cố một cách nhanh chóng. Đặc biệt, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN sẵn sàng các tổ máy, đảm bảo àn toàn các đường dây truyền trải để đáp ứng cao nhất đối với nhu cầu điện năng mùa cao điểm.

Ngoài ra, cuối tháng 4 vừa qua, căn cứ trên tình hình thực tế của EVN, Bộ Công thương đã điều chỉnh kế hoạch điều tiết và cung ứng điện năm 2024 và các tháng cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7/2024 để tiệm cận hơn, sát hơn với tình hình thực tế, qua đó, cân đối điện năng hài hòa trên toàn quốc. Trong đó đã điều chỉnh tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 lên 310,6 tỷ kWh, tăng hơn 4,3 tỷ kWh điện/năm so với kế hoạch. Như vậy, với những giải pháp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, chắc chắn tình trạng thiếu điện như năm 2023 sẽ không lặp lại.

Tuy nhiên, trên thực tế không thể tránh khỏi những nguy cơ, rủi ro trong trường hợp nắng nóng kéo dài quá lâu, phụ tải tăng vọt hoặc khi xảy ra sự cố với những nhà máy điện lớn. Điều đó có khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng cân bằng công suất ở khu vực miền Bắc.

Do đó, chúng tôi rất mong bên cạnh sự nỗ lực cùng nhiều giải pháp của cơ quan Nhà nước, các đơn vị cung ứng điện thì quý khách hàng là doanh nghiệp, người dân cũng nhiệt tình thực hiện việc tiết kiệm điện năng, chia sẻ gánh nặng trong mùa sử dụng điện cao điểm, tránh phát sinh những sự cố, gây ảnh hưởng chung.

Năm 2024, có lo thiếu điện? - Ảnh 4.

Ngành Điện đã có những giải pháp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt đảm bảo cung ứng điện mùa cao điểm năm 2024

- Ông Nguyễn Thế Hữu: Về dài hạn, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn điện, lưới điện để tăng cường khả năng cung cấp điện. Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu về những chính sách để phát triển các nguồn điện tại chỗ, ví như các nguồn điện tự sản tự tiêu…

Bên cạnh đó, các giải pháp đã được sử dụng nhiệu quả thời gian qua cũng sẽ được Bộ Công thương cân nhắc và đưa vào chỉ đạo các đơn vị thực hiện thường xuyên hơn, đạt kết quả cao hơn.

Riêng đối với năm 2025, theo dự kiến, cuối năm nay Bộ Công thương sẽ chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch vận hành sớm để luôn chủ động chuẩn bị thật ngay từ quý III/2024 nhằm đảm bảo việc cung ứng điện cho thời gian sau đó.

*Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác tiết kiệm điện trong việc đảm bảo điện hiện nay và có tư vấn/khuyến cáo gì cho các khách hàng để sử dụng điện hiệu quả, an toàn trong mùa nắng nóng?

- Ông Nguyễn Thế Hữu: Công tác tiết kiệm điện đã được quy định cụ thể và rõ ràng trong Luật Năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Công thương đã có nhiều chỉ đạo các sở công thương phối hợp với các đơn vị điện lực địa phương để tuyên truyền và giám sát việc thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm điện.

Có thể thấy, tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả đã và đang được Bộ Công thương quan tâm và khuyến khích thực hiện thường xuyên bởi lợi ích lâu dài. Tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Việc tiết kiệm điện không những tốt cho bản thân khách hàng sử dụng điện và cũng đảm bảo cho việc sử dụng điện, an ninh năng lượng tốt hơn. Do đó, tôi cũng khuyến cáo đối với các quý khách hàng thực hiện theo các giải pháp tiết kiệm điện mà các cơ quan chức năng đã khuyến cáo…..để cho phụ tải đỉnh thấp đi trong thời gian cao điểm và đóng góp rất nhiều vào việc đảm bảo cung cấp điện an toàn.

Bên cạnh đó, như chúng ta đều biết, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 và tái khẳng định tại các Hội nghị COP 27 và COP 28 về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc. Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhiều kế hoạch, chiến lược đang được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, đồng bộ triển khai thực hiện.

Để góp phần đảm bảo cung cấp điện, bên cạnh những nỗ lực của ngành Công thương và công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện trên phạm vi cả nước thì việc thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) được xem là giải pháp thiết thực và hiệu quả./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước