Nhạc sỹ Lê Tâm: Viết về Trường Sa từ những kỷ niệm rất gần...

Văn Quân-Thứ bảy, ngày 22/03/2014 18:30 GMT+7

Phụ trách mỹ thuật hầu hết các ấn phẩm của báo Công an Nhân dân nên quả thực, gặp họa sỹ Lê Tâm không hề dễ. Nhưng khi nhắc đến Trường Sa, nhắc đến những người bạn của mình đang ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Tâm hào hứng hẳn.

‘ Nhạc sỹ Lê Tâm ở đảo Trường Sa


Và rồi chúng tôi đã có một buổi chiều dài cùng anh nói về Trường Sa, nói về những người bạn và những kỷ niệm của anh, về hòn đảo mà Lê Tâm tự nhận: "Cuộc đời làm báo, được đến đó dù chỉ một lần cũng đã là hạnh phúc".

"Với Trường Sa, khoảng thời gian tôi được sống cùng anh em lính đảo không nhiều nhưng cũng đủ chất chứa muôn vàn kỷ niệm. Tôi thực sự đã có nhiều người bạn, nhiều người anh em từ chuyến đi Trường Sa năm đó" - Lê Tâm mở đầu câu chuyện như vậy. Và quả thực, anh đã có những người bạn đúng nghĩa khi thi thoảng, những lính đảo Trường Sa được về thăm nhà, nhóm công tác của anh đã ra tận sân bay và ga tàu để đón. Cho đến bây giờ chuyến đi Trường Sa vào tháng 6 năm 1012 với Lê Tâm như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.

Theo lịch trình ban đầu, đoàn công tác của Lê Tâm chỉ dừng chân ở đảo Trường Sa khoảng 2 ngày, nhưng rồi biển động, thuyền không thể ra khơi nên Lê Tâm đành phải ở lại đảo thêm 3 ngày nữa. "Đối với một nghệ sỹ thì đó lại là một sự may mắn. Thời gian ở thêm trên đảo, tôi đã có những trải nghiệm, những cảm nhận khác xa và rõ nét so với tưởng tượng ban đầu về những người lính trên đảo. Và bài hát tôi sáng tác về Trường Sa, hầu hết những cảm xúc đều được ấp ủ từ những ngày "ở rốn" trên đảo đó".

Lê Tâm kể, trước khi ra Trường Sa, cảm xúc của anh có cái gì đó khuôn mẫu và thô sơ, chỉ đến khi lang thang mấy ngày trời trên biển, tiếp xúc với khuôn mặt bạc màu nắng gió của lính đảo, nghe những tâm tư và tình cảm của họ giữa bốn bề tiếng sóng biển giữa đêm Trường Sa anh mới có cảm nhận rõ ràng và đúng nhất về nơi này.

Bỏ qua những cuộc gặp gỡ ồn ào trong phòng tiếp khách, bỏ qua những cái bắt tay vội chưa kịp hỏi tên nhau, Lê Tâm đã có những ngày được trở thành lính đảo thực sự khi được xuống tận cụm chiến đấu của anh em, được ngồi cùng mâm và cùng hát chung một bài hát. "Là người sáng tác nhạc nên tôi cũng có thuận lợi là khi anh em lính đảo đã nhận ra thì họ giao lưu nhiệt tình và cởi mở lắm. Tôi có một kỷ niệm đó là trong buổi đang giao lưu với anh em lính đảo, khi mọi người phát hiện ra tôi là tác giả "Nhắn tuổi hai mươi", Phó chính trị viên Trường Sa Lớn Lương Xuân Giáp đã hồ hởi: "Vậy anh phải viết về Trường Sa đi. Mà muốn viết cho hay, cho đúng thì đêm nay anh phải đi tuần với tôi. Anh đi để có cái cảm giác trực chiến, đi để có cái cảm giác rất thật rằng mình đang góp một phần sức lực tuổi trẻ để bảo vệ máu xương của Tổ quốc".

Nghe anh Giáp nói như vậy, tôi coi đó như một cơ may của mình và đêm đó, cùng Phó chính trị viên Trường Sa Lớn Lương Xuân Giáp, tôi đã có một đêm thức cùng sóng biển Trường Sa. Ngồn ngộn những xúc cảm trong những ngày được sống cùng lính đảo Trường Sa nhưng Lê Tâm cũng bảo, anh phải để lắng lại, để cảm xúc thẩm thấu hết thì những ca từ đầu tiên bài hát về Trường Sa mới được anh viết ra. Lê Tâm thấy gần gụi và thích thú nhất khi lính đảo hay gọi nhau bằng từ hai từ "đồng hương". "Đồng hương cho xin tí lửa", thậm chí là cả: "đồng hương... quê đâu vậy". Nghe tưởng rất mâu thuẫn nhưng quả thực, những người lính trên đảo Trường Sa, dù người Bắc hay người Nam, người miền xuôi hay miền ngược thì khi trên đảo, giữa bốn bề sóng nước, họ đều có cảm giác như đang ở trong một gia đình và cùng chung một quê hương. Chính vì vậy mà bài hát của Lê Tâm có tên là "Đồng hương Trường Sa của tôi".

‘ Giao lưu cùng anh em lính đảo

Thời gian đầu, cũng có người hay gọi nhầm là "Đồng hương của tôi ở Trường Sa" nghe cho dễ hiểu. Nhưng như vậy thì lại là... hiểu chưa đủ. Thậm chí từ "của tôi" cũng không phải là lời của người viết, của tác giả Lê Tâm mà là xưng hô của anh em lính đảo Trường Sa. Phải hiểu cặn kẽ như vậy thì "Đồng hương Trường Sa của tôi" mới mang đầy đủ ý nghĩa của nó. Khi ấy, Trường Sa đã trở thành một quê hương chung của tất cả mọi người. "Đồng hương ơi/ Chúng tôi đến nơi đây từ bao nhiêu miền quê xa/ Giữa sóng gió bão dông người lính đang gọi tên nhau/ Giọng nói ấy/ Tiếng Quảng Ninh Khánh Hòa, Cà Mau thân tình anh em/ Lính Trường Sa chúng tôi gọi nhau là đồng hương ơi...”.

Trong bài hát, nhiều tên thật, nhiều chuyện thật đã được Lê Tâm đưa vào một cách sống động, gần gũi. Và anh cũng tâm sự, một cái tên đại diện cho nhiều cái tên khác, câu chuyện của người này cũng là câu chuyện của tất cả anh em, vì đơn giản, lính đảo ở Trường Sa từ lâu đã gọi nhau bằng một cụm từ rất thân thuộc: "Đồng hương ơi". Khi "Đồng hương Trường Sa của tôi" được trao giải Nhất cuộc thi "Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa" do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, ngay trong đêm đó, bên bờ biển Khánh Hòa đầy gió, Lê Tâm đã điện thoại báo tin vui cho các đồng đội, "đồng hương" của anh trên Trường Sa.

Lê Tâm tâm sự, nếu có cơ hội anh sẽ trở lại Trường Sa. Vẫn lấy đời sống sinh động của anh em lính đảo làm luồng cảm xúc chủ đạo. "Mỗi người Việt Nam ai cũng có một Trường Sa trong góc tâm hồn mình. Tôi cũng vậy. Và là một người viết nhạc thì tôi cũng có cách thể hiện riêng về tình yêu Trường Sa của mình".

Lê Tâm kể thêm, khi "Đồng hương Trường Sa của tôi" được công bố, Tuyền - một anh lính trẻ được xuất hiện trong bài hát ở những câu: "Hãy xem đây tấm hình thằng cu nhà tôi/ Đã sinh 10 tháng rồi chưa được cha bế bồng...” khi có dịp về đất liền đã đề nghị tác giả một câu: "Anh viết về thằng cu nhà em thì đúng quá rồi. Sao anh không viết về bố mẹ em đi?

Với Lê Tâm, nghe xong câu hỏi ấy của Tuyền, anh coi như lại nhận thêm một "đơn đặt hàng" mới. "Món nợ" với một người bạn và cũng là "món nợ" của chính mình gửi tới một hòn đảo cách đất liền rất nhiều hải lý, nơi có một phần máu thịt của Tổ quốc thân yêu...

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước