Bóng đá Việt Nam: Đi tìm hài 7 dặm

Tuỳ Phong (TT&VH)Cập nhật 00:00 ngày 05/04/2014

Bao giờ các CĐV Việt Nam có được niềm vui và sự tự hào như CĐV Nhật Bản?

Các lão tiền bối kể rằng, năm 1959, trong chuyến viếng thăm, giao lưu giữa phía Nhật Bản (nước chủ nhà Á vận hội 1958) và đội tuyển miền Nam Việt Nam, người Nhật đã gửi tặng đôi giày nhỏ làm bằng thủy tinh, với ngụ ý, bóng đá Nhật Bản chỉ như đôi giày nhỏ này và bao giờ họ mới có thể theo kịp Việt Nam?!

Kèm theo đó, phía Nhật Bản khi ấy cũng muốn mời các chuyên gia, HLV của Việt Nam sang giúp bóng đá Nhật phát triển. Từ đôi giày nhỏ Đội tuyển miền Nam Việt Nam thời điểm đó, với đầy đủ các danh thủ như Phạm Huỳnh Tam Lang, “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng…, đang là nhà vô địch SEAP Games (giải đấu tên gọi tiền thân của SEA Games bây giờ), vào tới tứ kết Á vận hội (tổ chức tại Nhật năm 1958), hạng 3 và hạng 4 Cúp bóng đá châu Á (Asian Cup 1956 và 1960)… Trong khi đó, bóng đá Nhật gần như là vùng trắng, cho đến trước thập niên 1990.

Chúng ta đều biết (hoặc nghe kể) là, sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), một trận đấu giữa 2 miền Bắc - Nam được tổ chức, với đại diện đội tuyển miền Bắc là Tổng cục Đường sắt, đội bóng vừa mới vô địch Công đoàn miền Bắc và đội bóng mạnh nhất miền Nam lúc đó là Cảng Sài Gòn. Kết quả, đội bóng của những Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Lê Khắc Chính…, đã giành chiến thắng 2 - 0, trong một trận đấu đầy tình hữu nghị.

Sau này, lúc trà dư tửu hậu, người trong cuộc kể lại rằng, lúc đó, Tổng cục Đường sắt muốn thắng bao nhiêu cũng được, do đối thủ có vẻ yếu hơn vài phần, lại tôn thờ lối chơi duy mỹ, nặng tính cống hiến - trình diễn?! “Chúng tôi không ngờ rằng một đội bóng được tung hô tận mây rốt cuộc cũng chỉ có thế”, một người trong số các cầu thủ Tổng cục Đường sắt chia sẻ. Điều đó thực sự đáng suy ngẫm với thế hệ con cháu.

Trở lại với câu chuyện “đôi giày nhỏ” của người Nhật. Không phải đợi đến 55 năm sau, chúng ta mới biết bóng đá Nhật Bản đã tiến một bước dài như thế nào, so với bóng đá Việt Nam. 5 năm sau khi J-League ra đời, đội tuyển Nhật Bản lần đầu tiên giành suất chính thức dự vòng chung kết World Cup 1998 (tại Pháp) và duy trì sự hiện diện của mình tại sân chơi lớn nhất hành tinh cho đến ngày hôm nay. Tại các vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á, sau chức vô địch lần thứ 4 năm 2011, Nhật Bản đã ghi tên mình vào sách kỷ lục.

Bóng đá nữ Nhật Bản cũng đã thống trị thế giới trong năm mà Nhật Bản phải hứng chịu thảm họa kép sóng thần và động đất. Người ta vẫn biết đến J-League như giải đấu

số 1 châu lục và ngoài ra, Nhật Bản còn là một công xưởng lớn xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài, với rất nhiều cái tên đã và đang hiện diện ở các giải vô địch hàng đầu cựu lục địa…

Bóng đá Việt Nam đã ở đâu và làm gì suốt nửa thế kỷ qua, để rồi bị bỏ lại? Không đơn giản chút nào để đi tìm câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này. Người trong cuộc, những nhà điều hành nền bóng đá đã và đang cắp sách đi về phía Mặt trời để học hỏi. (Ơn trời), Nhật Bản là những người trọng tình và biết giữ lời. Họ sẵn sàng giúp đỡ mọi mặt, toàn diện, mà như Thể thao & Văn hóa từng ví von: Nhật Bản sẵn sàng cả một gói ODA cho bóng đá Việt Nam, nếu cần.

Đến giấc mộng nâng tầm bóng đá xứ sở Bóng đá là một trò chơi, trước khi được nâng cấp thành môn thể thao vị thành tích hay một ngành công nghiệp không khói hái ra tiền (đối với các nền bóng đá phát triển). Thế nên, muốn phát triển môn thể thao được nhiều người quan tâm bậc nhất, hâm mộ bậc nhất, ắt phải có lộ trình, chứ không thể “đi tắt đón đầu”. Bóng đá là một địa hạt đặc thù của xã hội, nó phản ánh một phần xã hội, song thi thoảng, “xã hội nào thì bóng đá ấy” như một cách ví.

Trước khi thống trị châu lục và bắt đầu trở thành một đối trọng thực sự tại các giải bóng đá lớn nhất hành tinh (cả bóng đá nam và nữ), người Nhật hẳn đã rất kiên nhẫn và cầu thị. Trong đó, việc nâng cao thể chất, giống nòi được nâng tầm thành chiến lược quốc gia, với sữa được cung cấp miễn phí trong các trường học.

Thể thao học đường của Nhật Bản thuộc hàng top thế giới. Việc làm đầu tiên mà những nhà điều hành nền bóng đá có thể, đó là thuê một chuyên gia hạng 2 của Nhật Bản về làm Trưởng giải V-League 2014. Kế đến, Ban chấp hành VFF khóa VII cũng có ý hướng về xứ sở hoa anh đào trong việc tìm kiếm thuyền trưởng cho các đội tuyển quốc gia. Vẻ như hối thúc và cấp bách lắm lắm! Chứ chưa hẳn đã là một kế hoạch dài hơi.

Một câu chuyện cũ theo lời người của Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức kể rằng, sau đợt viếng thăm London cách đây gần một thập niên, Hoàng Anh Gia Lai có ý muốn hợp tác với một số câu lạc bộ hàng đầu xứ sương mù, trong việc quảng bá các thương hiệu sản phẩm của công ty tại những sân bóng đầy ắp khán giả.

Kèm theo, bầu Đức cũng có ý mời Arsenal qua Việt Nam du đấu. Nhưng câu trả lời chỉ là cái lắc đầu của Giáo sư Arsene Wenger, kèm theo lời khuyên: “Hãy quay về làm bóng đá trẻ đi và nếu cần hỗ trợ gì, chúng tôi sẽ giúp”. Tức thì, bầu Đức quyết định mở học viện bóng đá, bằng với những hỗ trợ của Arsenal và JMG toàn cầu. 7 năm sau đó, lứa học viên đầu tiên của Học viện HA.GL Arsenal JMG ra mắt và cũng trong năm 2013, Arsenal đã đồng ý sang Việt Nam du đấu. Trận đấu giữa “những khẩu thần công” và ĐT Việt Nam diễn ra hồi tháng 7/2013, kết quả thế nào chắc không cần nhắc lại.

Dài dòng như thế để thấy rằng, cốt lõi của mọi chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, chứ chẳng nói riêng gì bóng đá, phải là khâu đào tạo trẻ, cùng một lộ trình khoa học, đồng bộ được vạch sẵn. Bóng đá không có “đôi hài bảy dặm” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này, dù với sự can thiệp của khoa học thể thao, các

đôi giày siêu nhẹ có thể giúp các đôi chân cầu thủ trở nên thanh thoát hơn. Chúng ta nên học người Nhật, nhưng phải là một bài học đầy đủ, căn cơ với lộ trình khoa học. Còn nếu vẫn kỳ vọng một ông trưởng giải hay thêm nữa là ông HLV trưởng người Nhật có thể giúp nâng tầm nền bóng đá, e là chúng ta vẫn đang xây nhà từ nóc !