Nếu Thanh Hóa, Bình Dương vô địch...

Hà Chính (TT&VH)Cập nhật 00:00 ngày 03/04/2014

Lối chơi của Thanh Hóa mùa này phụ thuộc rất nhiều vào phong độ của những ngoại binh nhập tịch như Nguyễn Rogerio (trái).

Với một dàn cầu thủ đạt phong độ cao và có chiều sâu cộng với khoảng cách điểm số so với đội bóng đang bám sau là B.Bình Dương, khả năng đội bóng xứ Thanh bước lên ngôi vị số 1 V-League 2014 là rất cao. Tuy nhiên, với mục đích vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam thì điều đấy chưa hẳn đã là vui.

Sau trận hòa với đội bóng xứ Thanh, khi được hỏi những đội nào có khả năng vô địch V-League 2014, HLV Choi Yoon Gyum nói ngay rằng đó là Thanh Hóa và B.Bình Dương. Lý do được ông Choi đưa ra là bởi 2 đội bóng này sở hữu một dàn "tinh binh" đồng đều, nhưng điều quan trọng là bởi trong đội hình Thanh Hóa có quá nhiều ... “Tây” chất lượng!

Đem phát ngôn của HLV Choi "soi" vào những ứng viên vô địch mới thấy điều ấy đúng đến kinh ngạc! Nếu như HA.GL thường xuyên ra sân với 4 ngoại binh là thủ môn Akpan, tiền vệ phòng ngự Helio và cặp tiền đạo Timothy-Felix, thì HLV Mai Đức Chung thường xuyên sử dụng từ 5 đến 6 ngoại binh. Con số này còn cao hơn với B.Bình Dương, khi có tới 6, 7 ngoại binh thường xuyên có mặt ở đội hình xuất phát.

Quan sát trên sân khi mỗi khi các đội bóng V-League vận hành sơ đồ chiến thuật mới thấy sức mạnh của mỗi đội bóng phụ thuộc quá nhiều vào vấn đề "Tây hóa". Ở HA.GL, thủ môn Akpan là nhân vật quan trọng bậc nhất trong sơ đồ chiến thuật của HLV Choi Yoon Gyum, còn 3 ngoại binh khác là Helio (cầu thủ nhập tịch), Timothy, Felix cũng có vai trò không thể thay thế. Một khi vắng Akpan, HA.GL hiện nguyên hình là "cọp giấy" và trận thua Đồng Nai ở vòng 9 là một ví dụ. Không có Akpan, đội bóng phố núi rơi vào tình cảnh "công làm thủ phá"! Cũng vì phong độ ổn định của thủ môn Akpan mà Tuấn Mạnh phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị!

Với Thanh Hóa thì đội hình xuất phát của ông Chung là 5 ngoại binh chất lượng cao, mà họ toàn đá những vị trí được xem là "xương sống". Cụ thể, Danny Van Bakel ra sân trong ở vị trí trung vệ, Nguyễn Rogerio-Nastja Ceh là bộ đôi tiền vệ trung tâm có nhiệm vụ thu hồi bóng và phát động tấn công, chơi sau lưng cặp tiền đạo "sát thủ" Sunday- Lê Văn Tân (ngoại nhập tịch). Như vậy,sức mạnh của đội bóng xứ Thanh hình thành theo một trục dọc với 100 % là ngoại binh.

Dù Xuân Tú có chơi hay để quán xuyến hành lang phải thì cũng chỉ là "kép phụ". Còn với B. Bình Dương, công cuộc "Tây hóa" càng triệt để hơn khi thầy trò HLV Lê Thụy Hải thường xuyên ra sân với từ 6 đến 7 ngoại binh thường xuyên có mặt ở đội hình xuất phát! Ở vào thời điểm này, khi mà các ngoại binh của B.Bình Dương dưới tay HLV Lê Thụy Hải đã chơi gắn bó và hiểu ý nhau, thì việc đánh bại đội bóng đất Thủ là nhiệm vụ quá khó khăn với bất kỳ đội bóng nào!

Vì thế, cũng không có gì bất ngờ khi Thanh Hóa và Bình Dương thi đấu tưng bừng và đang là ứng viên sáng giá cho chức vô địch.

Ở thái cực khác, cũng dễ lý giải vì sao phần còn lại của V-League thi đấu với phong độ thất thường: Đơn giản họ không có dàn ngoại binh đông đảo và chất lượng như 2 đội bóng Thanh Hóa và B.Bình Dương, mà SHB.Đà Nẵng là trường hợp điển hình. Cuộc khủng hoảng ngoại binh khiến HLV Lê Huỳnh Đức chỉ đưa ra sân đúng một ngoại binh thì sa sút là là đương nhiên!

Như đã nói ở trên, nếu như kết thúc mùa bóng 2014 mà chức vô địch thuộc về một trong 2 đội Thanh Hóa hay B. Bình Dương thì cũng sẽ không khiến người xem quá bất ngờ.

Ngoại binh là cần thiết để nâng chất V-League và cũng để bóng đá thêm hấp dẫn, nhưng để họ ra sân với số lượng nhiều đến mức trở thành nhân tố quyết định sự thành bại của mỗi đội bóng thì cũng chưa chắc đã là tốt cho nền bóng đá.