Những điều cần biết về nhiễm trùng đường ruột

PV, icon
05:42 ngày 23/05/2018

VTV.vn - Nhiễm trùng đường ruột là gì, triệu chứng và cách điều trị bệnh như thế nào là những vấn đề nhiều người băn khoăn sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.

Nhiễm trùng đường ruột là gì?

Nhiều vi sinh vật bao gồm nấm men, ký sinh trùng hoặc vi khuẩn đều có thể gây nhiễm trùng đường ruột. Những sinh vật này có trong thực phẩm do vệ sinh kém, vì vậy bạn sẽ dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với các sinh vật. Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng sẽ phụ thuộc vào loại mầm bệnh gây ra nhiễm trùng. Chẩn đoán nhiễm trùng dựa trên các triệu chứng sẽ giúp bác sĩ thu hẹp khả năng tiên đoán các loại tác nhân gây bệnh mà bạn có thể đang mắc để có thể điều trị đầy đủ.

Nhận biết nhiễm trùng đường ruột như thế nào?

Các triệu chứng thông thường của nhiễm trùng đường ruột là:

- Chán ăn: cũng như các bệnh lý đường tiêu hóa khác, người bệnh thường có dấu hiệu chán ăn.

- Buồn nôn: Ăn không ngon thường kèm theo buồn nôn.

- Đau bụng: Khi nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân thường thấy đau hoặc chướng vùng bụng.

Những điều cần biết về nhiễm trùng đường ruột - Ảnh 1.

Co thắt bụng là triệu chứng cảnh báo nhiễm trùng đường ruột

- Co thắt: Nhiễm trùng do vi khuẩn thường gây ra cơn co thắt ở bụng. Mỗi cơn sẽ thường kéo dài 3-4 phút một lần và có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

- Tiêu chảy: Khi mầm bệnh di chuyển ra xa hơn trong đường tiêu hóa, chúng có thể gây tiêu chảy dẫn đến tình trạng mất nước.

- Trầm cảm: Những người bị nhiễm trùng nấm men có thể gặp nguy cơ cao mắc trầm cảm.

- Rối loạn giấc ngủ: Khó chịu liên quan đến nhiễm trùng đường ruột sẽ khiến bạn khó ngủ. Đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy gan đang làm việc quá sức vì đang cố gắng loại trừ các tác nhân gây nhiễm trùng.

- Nhức đầu: Tình trạng mất nước hoặc xuất hiện các chất kích thích như nấm men trong hệ thống tiêu hóa sẽ làm tăng nguy cơ nhức đầu liên tục.

Điều trị nhiễm trùng đường ruột như thế nào?

Những điều cần biết về nhiễm trùng đường ruột - Ảnh 2.

Nội soi chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột hỗ trợ điều trị hiệu quả

BSCKII Nguyễn Thị Hằng - BV Thu Cúc cho biết: "Phần lớn, nhiễm trùng gây ra tiêu chảy, nhất là nhiễm trùng do virus, đều có khả năng tự biến mất, không cần chữa trị. Lúc này, điều quan trọng nhất đó là bệnh nhân phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể. Trường hợp người bệnh bị mất nước quá nhiều, chúng ta cần đến ngay bệnh viện để thực hiện việc truyền lại lượng nước đã mất trong suốt giai đoạn tiêu chảy, lúc cơ thể bị nôn mửa và sốt."

Phụ thuộc vào loại vi khuẩn, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc phù hợp. Trường hợp nhiễm trùng do ký sinh trùng gây bệnh, thì bệnh có thể sẽ được chữa trị bằng thuốc chống ký sinh trùng.

Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước, bổ sung chất dinh dưỡng qua khẩu phần ăn như ăn súp, cháo và dùng nước trái cây không đường nhằm giúp tăng cường hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ, chống lại sự tấn công của các nhân tố gây bệnh.

Cùng chuyên mục