Các CLB bóng đá ở Việt Nam thu và chi như thế nào?

Cập nhật 07:21 ngày 30/09/2015

Cứ mỗi mùa giải qua đi, cứ mỗi kỳ tổng kết đến, nhiều CLB đã nghĩ ngay tới những bài toán duy trì sự ổn định ở mùa giải kế tiếp.

 


- 5 điểm nhấn ấn tượng của bóng đá nội mùa giải 2015
- V-League mùa giải 2015 và những cái nhất




Theo quy định của VPF, kinh phí hoạt động đặt ra với mỗi CLB là 35 tỉ. 35 tỉ - 1 con số không hề nhỏ trong thời buổi suy thoái kinh tế. Và 35 tỉ cũng là bài toán không hề dễ dàng với ông chủ các CLB, dù người đó có là 1 nhà kinh doanh giỏi.  Nếu không xét trên yếu tố thể thao mà ví mỗi CLB như một công ty thì kinh doanh bóng đá tại Việt Nam chịu nhiều rủi ro hơn là thu được lợi nhuận. Trong 1 cuộc chơi nhiều rủi ro như thế này, các CLB cũng phải rất thận trọng trong việc thu chi.

Để đảm bảo được số tiền điều lệ 35 tỉ, ngoài việc chi tiêu hợp lí, nguồn thu của các CLB cũng phải ổn định nếu không muốn nói rằng sau khi trừ thu chi còn có lãi. Tuy nhiên trên thực tế có lẽ chưa ông bầu  nào ở Việt Nam có thể tự tin khẳng định rằng: “Tôi giàu nhờ làm bóng đá'.

Hiện nay nguồn thu của các CLB chủ yếu xuất phát từ các hợp đồng tài trợ, số tiền bán vé – áo đấu, tiền chuyển nhượng cầu thủ, tiền thưởng – hỗ trợ từ BTC (cụ thể là VPF) và tiền bản quyền truyền hình. Ngay cả một bản hợp đồng tài trợ với điều kiện ràng buộc nhiều năm – 1 nguồn thu chính cũng chưa chắc là cơ sở đảm bảo cho sự tồn tại của 1 CLB bởi các doanh nghiệp còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế và phong độ của các cầu thủ. Nếu các doanh nghiệp bị suy giảm doanh thu và các CLB thi đấu với phong độ sa sút, những cuộc chia tay rất có thể xảy ra, kinh phí để trang trải hoạt động cho 1 mùa bóng cũng không có và câu chuyện giải thể là 1 kết quả tất yếu. Đó cũng là điều đả xảy ra với CLB KienlongBank Kiên Giang.

Khoan bàn đến yếu tố bản quyền truyền hình hay yếu tố khán giả, những yếu tố mà tại các giải vô địch châu Âu và thậm chí nhiều nền bóng đá mạnh tại châu Á, có thể mang lại lợi nhuận lớn cho BTC cũng như các CLB. Thực tế giải đấu cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam là V.League vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, tính cống hiến như nhiều người chờ đợi. Và những khán đài đầy ắp khán giả như ở Gia Lai hay Quảng Ninh vẫn là điều hiếm gặp tại mỗi vòng đấu của V.League. Vì vậy những đội bóng có thể kiếm nguồn thu tương đối ổn định từ việc bán vé như HAGL hồi đầu mùa giải chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 


Theo thống kê từ VPF, kể từ năm 2013, thực hiện chính sách chia sẻ quyền lợi cho các CLB, VPF đã hỗ trợ các CLB tại V.League và giải Hạng Nhất 12 tỉ đồng. Con số này năm 2014 là 11,5 tỉ đồng và năm 2015 là 15 tỉ đồng. Số tiền nếu thoạt nghe rất ấn tượng nhưng nếu chia trung bình cho các CLB thi đấu tại V.League và giải Hạng Nhất thì chẳng còn nhiều ý kiến trầm trồ nữa.

Cụ thể, trung bình 20 CLB ở mùa giải 2013, mỗi CLB có thể nhận được 600 triệu. Năm 2014 với 21 CLB, tiền hỗ trợ trung bình là 547 triệu/CLB. Đến năm 2015, với 22 CLB ở cả 2 giải đấu, con số là 682 triệu. Chưa kể với nhiều CLB nếu vi phạm những quy định thì số tiền hỗ trợ cũng sẽ bị trừ theo. Chẳng thế mà cứ mỗi mùa giải qua đi, cứ mỗi kỳ tổng kết đến, nhiều CLB đã nghĩ ngay tới những bài toán duy trì sự ổn định ở mùa giải kế tiếp.



Mời quý độc giả theo dõi các chương trình thể thao đã phát sóng của Ban Sản xuất các chương trình Thể Thao, Đài Truyền hình Việt Nam:
- NHỊP ĐẬP 360 ĐỘ THỂ THAO

Thùy Linh
(Thethao.vtv.vn)