Giải pháp nào để bóng đá Việt Nam tự nuôi lấy mình?

Cập nhật 07:40 ngày 30/09/2015

Làm sao để bóng đá Việt Nam có thể tự nuôi lấy mình? Đây là câu hỏi không mới nhưng đến nay vẫn chưa nhiều đội bóng của Việt Nam làm được. Có đội bóng có thể không hiểu, có đội hiểu nhưng vẫn không muốn thay đổi vì nhiều nguyên nhân.

 





Một đội bóng muốn tồn tại và phát triển thì điều kiện đầu tiên là cần phải có tiền. Bóng đá Việt Nam kể từ khi mang danh chuyên nghiệp đến nay đã được hơn 15 năm nhưng gần như chưa có đội bóng nào thực sự có thể tự kiếm tiền nuôi được lấy mình. Các đội bóng vẫn chủ yếu sống bằng ngân sách địa phương hoặc nhờ vào túi tiền của các ông chủ, các nhà tài trợ.

HAGL là đội tiên phong trong việc kinh doanh bằng bóng đá để tự nuôi lấy đội bóng nhưng đáng buồn là đến nay họ vẫn là CLB duy nhất của bóng đá Việt Nam làm tốt việc này.

Thế nhưng thực tế là không có ông chủ CLB nào hay nhà tài trợ nào có thể bỏ tiền ra để nuôi đội bóng mãi được, muốn tồn tại và phát triển, bản thân các đội bóng phải tự nuôi được lấy mình. Nếu không sống nhờ vào túi tiền của những ông chủ thì ai là người có thể nuôi được đội bóng? Đó chính là khán giả. Khán giả là người bỏ tiền mua vé đến sân để xem đội bóng thi đấu. Nếu có đông khán giả đến sân và theo dõi qua truyền hình, đội bóng mới bán được biển quảng cáo, bản quyền truyền hình, áo đấu và các hợp đồng tài trợ khác. Có thể nói khán giả chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự tồn tại của 1 đội bóng.

Bóng đá là 1 môn thể thao mang tính giải trí cao, nếu muốn có khán giả các CLB cần phải có những sản phẩm giải trí có chất lượng tốt. Sản phẩm đó chính là những trận đấu hay, những trận đấu hấp dẫn thì mới thu hút được người xem. Hiểu được điều đó, các CLB bóng đá của Việt Nam mới có được hướng đi đúng đắn. Và đó cũng là lý do tại sao HAGL thua nhiều hơn thắng ở mùa giải vừa qua, nhưng họ vẫn là đội hút khán giả đến sân đông nhất V-League hiện nay.  

1 yếu tố khác cũng quan trọng không kém để kéo khán giả đến sân, đó là sự minh bạch, công tâm của các trọng tài, của BTC và giữa các đội bóng. Khán giả họ bỏ tiền đến sân để xem bóng đá, họ có thể cổ vũ hết mình cho đội bóng, nhưng họ cũng sẵn sàng quay lưng lại với bóng đá nếu đó là 1 thứ bóng đá giả dối, lừa người xem. Giải quyết được những vấn đề đó, bóng đá Việt Nam mới có cơ hội để phát triển được.



Mời quý độc giả theo dõi các chương trình thể thao đã phát sóng của Ban Sản xuất các chương trình Thể Thao, Đài Truyền hình Việt Nam:
- NHỊP ĐẬP 360 ĐỘ THỂ THAO


Tuấn Đức
(Thethao.vtv.vn)