Từ chức vô địch World Cup của ĐT Đức, nghĩ về đào tạo trẻ Việt Nam

Cập nhật 06:35 ngày 01/08/2014

Chức vô địch World Cup của ĐT Đức đến như một thành quả của một chiến lược đào tạo trẻ căn cơ của liên đoàn bóng đá nước này. Nhìn lứa cầu thủ trẻ Đức vô địch World Cup năm nay mà buồn cho thực trạng đào tạo trẻ ở Việt Nam.

 

Cách đây 10 năm, sau thất bại của ĐT Đức tại EURO 2004, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã quyết định làm lại từ đầu, vạch ra một chiến lược đào tạo trẻ để thay máu cho đội tuyển. DFB bỏ ra khoảng 80 triệu đô la Mỹ mỗi năm để hỗ trợ các CLB trong việc đào tạo trẻ và quy định Bundesliga buộc phải sử dụng các cầu thủ do các CLB đào tạo ra. DFB không trực tiếp đào tạo trẻ, họ chỉ hỗ trợ các CLB về tài chính, cách làm và kết quả, Bundesliga hiện nay đang dư thừa tài năng trẻ, trong đó, những gương mặt như Muller, Kroos hay Goetze đã tạo nên nòng cốt cho ĐT Đức vô địch World Cup 2014.

Trong khi đó, LĐBĐ Việt Nam lại làm ngược lại. Tức là họ tự xây dựng một Trung tâm đào tạo trẻ để rồi sau đó, bỏ thì thương, vương thì tội vì không làm được công tác tuyển nhân sự đầu vào. Và khi đã tự mình đào tạo trẻ, tất nhiên, VFF chẳng bao giờ hỗ trợ tài chính cho các CLB làm công tác này. Có chăng, họ chỉ chăm chăm lấy quân từ các lò đào tạo của các CLB để thành lập các ĐTQG. Hơn nữa, VFF cũng chưa bắt buộc V.League các cầu thủ trẻ do chính các CLB đào tạo ra. Vậy nên, mới có cảnh, các CLB ăn xổi, chỉ rình mua ngoại binh hoặc những cầu thủ nội đã thành danh, trong khi các cầu thủ trẻ thuộc những lò đào tạo địa phương không có đất dụng võ, không có cơ hội cọ xát để phát triển chuyên môn, không chuyển nhượng được, không sinh lời dẫn đến phá sản như Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel hoặc sống èo uột.

Tuyến trẻ yếu thì các ĐTQG cũng yếu. Nếu VFF không thay đổi về công tác đào tạo trẻ, giấc mơ dự World Cup của bóng đá Việt nam sẽ mãi là bong bóng xà phòng.


Lê Kiên
(Thethao.vtv.vn)