Bóng đá Việt Nam: Mối họa từ những hợp đồng tiền tỷ

TTKH (Theo Tùy Phong/ TT&VH)Cập nhật 00:00 ngày 03/01/2013

 Đã và đang có rất nhiều cầu thủ sở hữu những hợp đồng bạc tỷ với các CLB nhưng hiện nay vẫn đang thất nghiệp, chưa tìm được đội bóng mới đồng thời tiềm nhiều nguy cơ.

Nhiều năm qua, khách đi đường quốc lộ 1A mới (đoạn bên kia cầu Đuống, thuộc địa phận Bắc Ninh) đã không còn lạ mắt với hàng loạt các ngôi biệt thự bỏ hoang với cây cối, cỏ dại mọc um tùm do chủ đầu tư không bán được, nhưng chẳng phải chỉ có Bắc Ninh mới thấy những khu biệt thự bỏ hoang như thế.

‘ Dù đã được V.Ninh Bình tạo điều kiện hết cỡ nhưng Như Thành vẫn chưa tìm được bến đỗ mới. Ảnh: VSI



Câu chuyện trên vẻ như chẳng có chút liên hệ gì với bóng đá Việt Nam trong cơn khủng hoảng diện rộng? Thực tế là có!

Cách đây vài năm, trên một ấn phẩm của TT&VH đã từng có bài viết về “những ngôi biệt thự trên băng ghế dự bị”, ám chỉ những món hàng hớ mà CLB mua về nhưng lại chỉ có rất ít giá trị sử dụng. Giờ, nỗi ám ảnh trở lại, với hàng loạt các đôi chân tiền tỷ có nguy cơ ra đường, sau rất nhiều các CLB hoặc phải giải thể hoặc giải tán tạm thời (do thiếu kinh phí hoạt động).

Việc tìm một công việc bóng đá tử tế lúc này không hề đơn giản, đối với không chỉ các cầu thủ, mà còn cả một đội ngũ HLV, thậm chí “vua sân cỏ” như trọng tài cũng có nguy cơ ngồi chơi xơi nước khi cầu vượt cung.

Biệt thự bị bỏ hoang dù với lý do gì thì vẫn là thương vụ đầu tư thất bát, giống hệt các bản hợp đồng đắt giá mà các đội bóng đã lỡ ký với ngôi sao, để rồi ngay lúc này phải è cổ trả lương, dù CLB đã tạm ngưng hoạt động.

Tình huống của Công Vinh với CLB BĐ Hà Nội là một viện dẫn. Để đảm bảo tính hợp pháp của bản hợp đồng lao động (so với Luật Lao động hiện hành), từ vài tháng qua, lãnh đạo các Cty CP BĐ HN.ACB và Cty CP BĐ Hà Nội (chủ sở hữu 2 đội bóng của bầu Kiên ở hạng Nhất và V-League-PV) vẫn phải gồng mình trả lương (từ 30-70% hệ số lương, tùy trường hợp cụ thể - PV) cho những cầu thủ còn hợp đồng mà chưa thể chuyển nhượng hay ký giấy thanh lý. Điều tương tự diễn ra ở N.SG (sau chuyển giao) hay Lâm Đồng…

Từ Công Vinh, đến Như Thành, Quốc Vượng, Quang Hải, Thế Anh, Minh Triết, Văn Khải… được ví như những ngôi biệt thự di động bỏ hoang. Vẫn còn đầy đủ giá trị sử dụng, nhiều khả năng Quang Hải sẽ chấp nhận tiếp tục gắn bó với XMXT.SG, thế cũng còn đỡ. Nhưng, với Như Thành hay Phong Hòa, có lẽ không có nhiều hy vọng, ngay cả khi BLĐ V.NB chấp nhận thanh lý hợp đồng và… xóa nợ để họ tự do tìm bến đỗ mới. Nhà quan nắm người có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu? Thế mà Quốc Vượng vẫn bị vướng lại ở xứ Thanh, với 400 triệu đồng bị cho là còn thiếu, nếu muốn xin giấy thanh lý hợp đồng. Thế mới nghiệt ngã!

Suy cho cùng, việc để xảy ra cơ sự này, lỗi thuộc về những nhà quản lý, điều hành nền bóng đá. Họ chấp nhận để một thời gian rất dài các ông chủ tự tung tự tác, đem tiền đấu tiền, làm bóng đá theo kiểu ăn xổi, thiếu căn cơ. Người trong cuộc (cầu thủ) chịu thiệt đã đành, nhưng để xã hội phải gánh vác hàng loạt các vấn nạn như thất nghiệp, thậm chí tội phạm từ bóng đá cũng có nguy cơ xuất hiện, rõ là không công bằng.