Câu chuyện thể thao: Với thủ môn, thiếu tự tin là tồi tệ nhất

Theo Khang Chi/ TT&VHCập nhật 00:00 ngày 11/01/2013

Với thủ môn, thiếu tự tin là tồi tệ nhất. (Ảnh: AP)

 Vị trí thủ môn rất khác với tất cả các cầu thủ khác trong một đội bóng. Không phải chỉ vì họ chơi bằng tay mà còn vì họ cần phải có một tinh thần và các điều kiện thể lực mang tính đặc thù.

Người trấn giữ khung thành không cần phải thể hiện nhiều sự gắng sức. HLV có thể yêu cầu một hậu vệ hoặc một tiền đạo chạy thật nhiều, không ngơi nghỉ, làm cho đối phương phải mệt lử, lấy bóng của họ, liên tiếp tạo ra những pha bóng lên phía trước. Một trung vệ có thể chơi đến kiệt sức trong phòng thủ và phát động tấn công ở từng trận đấu. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh rất lớn giữa chính thức và dự bị. Nhưng tất cả những cái đó, chẳng có vẻ gì có thể áp dụng được với các thủ môn.

Người bắt gôn không giành vị trí của mình bằng những cú nước rút hoặc nỗ lực không phổi, mà bằng sự phản xạ, cách chọn vị trí và sự tự tin vào chính mình. Tất nhiên, công tác huấn luyện đóng một vai trò chủ chốt đối với những người trấn giữ khung thành; nhưng một khi đã đạt được những điều kiện nhất định thông qua việc rèn giũa ở giai đoạn còn trẻ (thí dụ tung người bắt phải và bắt trái như nhau - dù bóng sệt hay tầm trung, tầm cao - vượt qua xu hướng tự nhiên thường thuận một chiều) thì phẩm chất đó sẽ theo họ trong cả sự nghiệp của mình. Phản xạ thường mang tính bản năng, mặc dù lao động cũng là một yếu tố quan trọng. Tương tự như thế, việc chọn vị trí trước cầu môn cũng là một phần của những sự khéo léo mang tính bản năng.

Trừ trường hợp bị chấn thương hoặc thiếu chuyên nghiệp (ít chăm sóc thể lực, ăn uống không điều độ, không thực hiện đầy đủ các bài tập hàng ngày ), các thủ môn ít khi chơi trồi sụt thất thường trong sự nghiệp của mình, thậm chí họ có thể chơi nhiều năm ổn định hơn các cầu thủ khác. Điều đó cũng có nghĩa, các thủ môn ra lò đã phân loại thành người giỏi, bình thường và kém. Rất ít khi ra lò là giỏi mà kết thúc là kém hoặc ngược lại. Do đó, việc tạo ra sự cạnh tranh giữa một thủ môn chính thức và một thủ môn dự bị đôi khi không cho một kết quả tốt, như sự cạnh tranh giữa các cầu thủ đá bóng.

Sự tự tin và tập trung

Tuy nhiên, hiệu quả thi đấu của một thủ môn thường phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: sự tự tin và sự tập trung. Nhiều khi chúng ta không thể giải thích nổi những sai lầm đến mức phi lý của những người trấn giữ khung thành, nhưng chắc chắn tất cả sự phản ứng ngớ ngẩn đều liên quan đến một điều gì đó đang xảy ra trong cái đầu của thủ môn, chứ không phải yếu tố chuyên môn.

Không có gì tồi tệ hơn với một thủ môn là sự thiếu tự tin. Sự do dự làm họ phản ứng chậm một vài phần giây, thiếu một chút chính xác trong bắt hoặc phá bóng, và thậm chí làm họ giảm khả năng chỉ đạo hàng thủ.

Do đó, đại đa số các CLB và các đội tuyển quốc gia của môn bóng đá luôn đặt thủ môn chính thức vào diện không thể đụng đến. Việc quyết định loại một thủ môn chính thức ở một giải đấu lớn (trừ trường hợp chấn thương) phải là một sự lựa chọn được cân nhắc kỹ càng và một khi đã làm thì phải làm dứt khoát, trong một thời gian dài, bởi vì sự thay đổi liên tục người trấn giữ khung thành có thể tạo ra sự thiếu tự tin cho cả hai, sự tranh cãi của khán giả và sự kém hiệu quả của vị trí chính thức và dự bị.

Tất cả những điều đó, chúng ta có thể nhìn thấy ở Old Trafford khi Sir Alex Ferguson không thể đặt niềm tin trọn vẹn vào một thủ môn. Ông chọn David de Gea, thủ môn trẻ người Tây Ban Nha mắc sai lầm, ông lại quay sang Anders Lindegaard. Tình trạng bất cập này đã kéo dài từ mùa trước cho đến mùa này. Hiện không ai biết được thủ môn số 1 của M.U là de Gea hay Lindegaard.