Cuộc hội ngộ của hai nền bóng đá Nam-Bắc trong trận đấu lịch sử năm 1976

Ấn tượng thể thao 7 ngàyCập nhật 06:00 ngày 30/04/2015

Hình ảnh trận đấu lịch sử giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn năm 1976

VTV.vn - Ước mơ về cuộc so tài giữa hai miền đã trở thành hiện thực vào năm 1976 với trận đấu giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất.

39 năm sau trận đấu đầu tiên của 2 nền bóng đá Nam-Bắc, hai cựu danh thủ của đội bóng Đường sắt Việt Nam - Hoàng Gia và Lê Khắc Chính lại có dịp gặp nhau để cùng ôn lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc so tài với Cảng Sài Gòn. Ấn tượng về bầu không khí cuồng nhiệt trong sân Thống Nhất do 40.000 cổ động viên tạo nên năm ấy vẫn còn như mới nguyên trong tâm trí của họ.

Cựu cầu thủ Hoàng Gia hồi tưởng: “Tôi chưa bao giờ thi đấu trong một bầu không khí như thế. Khán giả tràn xuống đường pitch, khi tiếng còi khai cuộc vang lên thậm chí còn vỡ cửa. Như các bạn đã biết, khi đó đất nước chúng ta mới giải phóng vì vậy ở 4 ngả đường đến sân Thống Nhất đều có xe tăng của quân cảnh. Quân cảnh kiểm soát vấn đề an ninh ở bên ngoài, thậm chí lúc thi đấu còn có tiếng súng bắn chỉ thiên”.

Cựu cầu thủ Lê Khắc Chính tâm sự: “Trước đấy có những thông tin rằng miền Bắc đói khổ, các cầu thủ ốm o, bủng beo. Nhưng khi 2 đội ra sân, các khán giả vỗ tay ầm lên vì đội bóng Đường sắt lúc đó có những con người đẹp đẽ mà hào khí của chúng ta rất hùng dũng nếu so với các đội bóng trong Nam lúc đó”.

Khán giả miền Nam khi đó không khỏi bất ngờ bởi trước đó người Sài Gòn hầu như không có bất kỳ thông tin nào về bóng đá miền Bắc. Và họ càng bất ngờ hơn khi đại diện của bóng đá miền Bắc lại là đội bóng được đào tạo hết sức bài bản và có lối chơi còn hiện đại hơn so với Cảng Sài Gòn.

“Cảng Sài Gòn lúc đó có các cầu thủ có kĩ thuật cá nhân, họ đá cá nhân, phối hợp nhỏ, chuyền ngắn nên mất nhiều thời gian mới đưa bóng đến gần khung thành của chúng tôi, vì vậy Đường sắt có thể quay về kịp. Còn chúng tôi đá rộng sân, chủ yếu tấn công bằng hai biên, đưa bóng vào cho những cầu thủ cao như anh Mai Đức Chung đánh đầu vào hoặc đánh đầu chuyền cho tuyến 2 dứt điểm” – ông Hoàng Gia cho biết.

Bóng đá miền Nam những năm đầu giải phóng, mỗi cầu thủ vào sân với tâm trạng khác nhau nhưng trước một trận đấu mà ai cũng hiểu mang ý nghĩa lịch sử này, sự hồi hộp và háo hức lấn át mọi cảm xúc khác.

“Lãnh đạo hai đội đã chỉ đạo anh em đầu tiên là phải giao lưu, dặn dò anh em đá sao cho hòa hợp hai miền để hai đội đá được thống nhất nhau” - cựu cầu thủ Dương Văn Thà của CLB Cảng Sài Gòn nhớ lại.

Tuy nhiên, những lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng biến mất khi 2 đội bước vào trận. Các cầu thủ hai đội đã cống hiến cho người hâm mộ những pha bóng khó quên. Đường sắt Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Duy Long đã thi đấu lấn lượt để có được 2 bàn thắng nhờ công của trung phong Mai Đức Chung và tiền vệ Lê Thụy Hải.

Cựu cầu thủ Mai Đức Chung chia sẻ: “Khi anh Nguyễn Minh Điệp có bóng tạt vào tôi ở dưới băng lên đánh đầu. Tôi nhớ đó là bài chiến thuật rất nhuần nhuyễn, khi đó chúng tôi mới chỉ 25, 26 tuổi thôi và mới tập huấn ở Trung Quốc về. Chúng tôi hừng hực khí thế trẻ và bắt đầu nhen nhóm sự hiện đại”.

Ông Lê Thụy Hải cũng nhắc lại bàn thắng ấn tượng của mình: “Lúc đấy trước mặt tôi chỉ có anh Lan thôi, còn anh Hiệp thủ môn hơi lên cao một chút, vì thế tôi sút. Lúc ấy mà đắn đo tôi cũng không dám sút, nhưng cú sút bóng bổng lên và bay vào lưới. Rơi vào mà anh Hiệp vẫn không nghĩ bóng vào lưới. Anh quay lại thấy bóng vào lưới, khán giả vỗ tay thì người ta mới thấy à, quả bóng ăn”.

Sân vận động Thống Nhất những ngày này lại đón những cầu thủ lừng danh một thời của Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt trở lại. Họ gặp nhau để thi đấu giao hữu và cùng ôn lại những kỷ niệm khó quên của trận đấu vào ngày 7 tháng 11 năm 1976. Có đôi chút nghẹn ngào khi trên sân đã vắng bóng những cái tên như Phạm Huỳnh Tam Lang hay Phạm Kỳ Thụy. Tuy nhiên, tất cả có thể tự hào bởi họ chính là những người đầu tiên đã đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam bằng tinh thần thi đấu trung thực và cao thượng trong trận cầu ngày ấy.

Xem lại phóng sự về trận cầu lịch sử năm 1976 trong chương trình Ấn tượng thể thao 7 ngày (26/4):

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.