Đầu năm cầu thủ Việt ước gì?

HM (Theo CCKM/ TT&VH)Cập nhật 00:00 ngày 03/01/2013

 Cơn bão khủng hoảng bóng đá Việt đã đẩy không ít cầu thủ vào cảnh khó khăn và không ít người trong số họ đã thầm ước nếu như trở lại ngày xưa, họ sẽ có những quyết định sáng suốt hơn.

“Nếu có ước muốn cho cuộc đời này; Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại” (bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa”, tác giả Xuân Phương).

Phải, nếu thời gian trở lại cách đây chừng 2, 3 năm thôi, Quang Hải sẽ không dồn toàn bộ số tiền ký hợp đồng với N.SG (9 tỷ đồng) chỉ để… mua đất đai và xây nhà cửa, mà sẽ để dành một phần gửi vào ngân hàng để dùng dần và sẽ không khiến ai phải hiểu lầm vì thiếu tiền như thời gian qua.

‘ Quang Hải (trái) có lẽ đã tiếc nuối vì tiêu tiền chuyển nhượng không hợp lý (Ảnh: V.S.I)



Cũng tựa như thế, với trường hợp của Thế Anh, một trong những cầu thủ có giá chuyển nhượng tiền tỷ đầu tiên (thời điểm năm 2004), khi xây xong căn biệt thự bên quận 2 TP.HCM, anh thậm chí không còn tiền để mua… nội thất. Trước đó, Thế Anh cũng đã có một loạt các hạng mục đầu tư.

Nhưng, như Quang Hải hay Thế Anh, những người còn biết nghĩ đến gia đình, đến tương lai, vẫn còn đầy cơ sở về một cuộc sống sung túc với khối tài sản của họ. Thế Anh vẫn còn 2 cụm sân cỏ nhân tạo và dãy nhà cho thuê ở Bình Dương, một sân khác ở Vinh (Nghệ An); còn Quang Hải cũng có ít nhất 2 miếng đất vàng khác tại Nha Trang làm vốn…

Tuy nhiên, với Phong Hòa hay Như Thành, có lẽ ước muốn cho thời gian trở lại chỉ đơn thuần để không phạm sai lầm. Với tổng số tiền chuyển nhượng và ký mới hợp đồng (với B.BD và V.NB sau này, ước tính không dưới 15 tỷ đồng), Như Thành lẽ ra phải sống khỏe, nếu không đốt tiền cho các thú vui “xã hội” như chính cầu thủ này đã thừa nhận. Phong Hòa cũng thế, anh đã “bập” quá sâu và cho đến khi kịp bừng tỉnh thì vẻ như đã muộn.

Phải, nếu được ước, Việt Cường cũng sẽ ước; nếu còn có thể mơ, những Sỹ Mạnh, Minh Chuyên (XMXT.SG) hay Đức Cường, Văn Vinh và hàng loạt các cái tên khác thuộc biên chế CLB BĐ Hà Nội cũng sẽ mơ ngay được. Nhưng vấn đề là, họ đang bị kéo lại thực tại, với nền bóng đá khủng hoảng trên diện rộng, để rồi phải loay hoay với các con tính ở trước mặt. Chuyện cơm áo gạo tiền, quả thật không đơn giản như nhiều người nghĩ. Đó là một bài toán quá khó cho những cầu thủ vốn chịu nhiều thiệt thòi về đường ăn học…

Nhưng nếu chỉ là một mệnh đề mang tính giả định, và trong những ngày đầu năm, hãy ước điều gì giản dị hơn đi, chẳng hạn như xếp bóng đá vào tủ kính để tìm một công việc khác. Vấn đề là các cầu thủ có sẵn sàng hay không?!