V-League tụt hạng: Phải chấp nhận thực tế!

Theo Mai An/ TT&VHCập nhật 00:00 ngày 13/01/2013

Thất bại của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2012 một phần bắt nguồn từ sự suy giảm chất lượng của V-League. (Ảnh: Kim Ngọc)

 Không ai ngạc nhiên khi V-League đang bị tụt dốc trên bảng xếp hạng của Liên đoàn thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS), bởi với những gì đã và đang xảy ra ở V-League ở mấy mùa bóng gần đây, nếu V-League tiếp tục giữ vị trí số một trong bảng xếp hạng các giải VĐQG ở Đông Nam Á thì đấy có thể coi là một sự bất công.

Thì đấy, thử tìm khắp cả khu vực xem có giải VĐQG nào lại tồn tại tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” suốt 4 năm nay và đang chuẩn bị bước sang năm thứ 5. Hay có giải VĐQG nào mà có ông bầu vừa giữ một chân trong bộ máy lãnh đạo của BTC giải, song đồng thời vẫn đứng tên Chủ tịch ở CLB mà mình sở hữu.

Cũng chẳng có giải VĐQG nào mà số phận các đội bóng lại mong manh đến thế, khi cuộc sống và sự nghiệp của cả trăm con người lại hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của một cá nhân, và nếu vì một lý do nào đấy mà cá nhân này không thể hoặc không muốn tiếp tục đầu tư cho bóng đá thì cả trăm con người kia lập tức đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Rất nhiều dẫn chứng như thế để thấy rằng ở Đông Nam Á V-League là một trong những giải VĐQG có tuổi đời lâu nhất, nhưng lại cũng đang ẩn chứa nhiều vấn đề nan giải nhất, thậm chí có thể đe doạ đến sự tồn tại của giải đấu.

Đây không phải là chuyện nói để doạ nhau, bởi chỉ cần có thêm một vài ông bầu nữa tuyên bố từ bỏ cuộc chơi thì V-League lập tức sẽ rơi vào khủng hoảng, vì nếu chỉ 8 đội bóng cho một giải VĐQG là quá ít, trong đó lại còn có một đội đứng thứ 3 giải hạng Nhất được đôn lên cho đủ tụ, còn đội xếp thứ 2 và đương nhiên được thăng hạng thì lại xin từ bỏ quyền lợi của mình.

Người ta hay nói giải VĐQG chính là sức khoẻ, còn ĐTQG thì giữ vai trò như là bộ mặt của một nền bóng đá. Giả sử xét theo tiêu chí này thì bóng đá Việt Nam đang có một cơ thể hiện gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, mà biểu hiện rõ nhất là thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012, và cả việc mới đây có gần nửa tá HLV làm việc ở V-League lần lượt từ chối vinh dự dẫn dắt ĐTQG.

Nếu chúng ta không kịp thời làm được điều gì đó để ngăn chặn sự tuột dốc này thì không loại trừ khả năng bóng đá Việt Nam sẽ trở về thời kỳ mới hội nhập trở lại với sân chơi khu vực, nghĩa là không có khả năng tranh chấp vị trí cao nhất mà chỉ làng nhàng ở giữa. Ở kỳ SEA Games gần đây nhất, ĐT U23 Việt Nam đã trắng tay hoàn toàn, còn tại AFF Cup 2012 mới kết thúc, ĐT Việt Nam thậm chí còn không qua nổi vòng bảng vì không thắng nổi một trận nào.

Cũng may là ĐT Philippines đã đánh bại ĐT Myanmar ở lượt trận cuối cùng của vòng bảng, và ĐT Thái Lan sau khi sớm đoạt vé vào bán kết cũng không hào hứng trút mưa bàn thắng vào lưới ĐT Việt Nam, nếu không chúng ta có thể sẽ phải bắt đầu chiến dịch AFF Cup 2014 bằng việc tranh vé từ vòng sơ loại do xếp đội sổ ở vòng bảng AFF Cup 2012. Trước đó, ĐT U22 QG cũng thua tan nát ở vòng loại U22 châu Á, và với tình hình như thế này, ai đó dù lạc quan đến mấy thì cũng khó có thể hy vọng vào khả năng ĐT U23 Việt Nam sẽ làm được điều gì đó ở SEA Games 27.

Thực ra những chuyện chướng tai gai mắt ở V-League hiện tại như “một ông chủ 2 đội bóng”, hay mua bán chuyển giao đội bóng dễ dàng và đơn giản như món hàng… đều đã được dư luận cảnh báo từ khi các hiện tượng này mới chớm xuất hiện, nhưng ngay từ lúc ấy những người có trách nhiệm đã không thể đưa ra các biện pháp đủ hiệu quả và cứng rắn vì lý do “cần phải duy trì phong trào”.

Và cuối cùng sự thực đã cho thấy một kết quả hoàn toàn trái ngược, khi phong trào thì chẳng duy trì nổi, bởi từ 14 đội bóng ở V-League 2012 đã xuống còn 8 CLB ở V-League 2013, còn những vấn đề nêu trên ngày càng trở nên nổi cộm và khó giải quyết. Chẳng hạn VFF đã cầu viện sự giúp đỡ của Thanh tra Bộ VH, TT-DL và nghe nói còn kêu lên cả AFC để xử lý tình trạng “một ông chủ, 2 đội bóng” nhưng cuối cùng vẫn chưa thấy kết quả nào cụ thể, vì HN.T&T và SHB.ĐN sẽ tiếp tục song hành ở V-League 2013.

Thật ra VFF chẳng cần phải nhờ tới Thanh tra của Bộ VH, TT-DL hay AFC, bởi bản thân Quy chế và Điều lệ VFF cũng đã có quy định rõ ràng về việc không cho một cá nhân được sở hữu nhiều hơn một đội bóng ở một giải đấu có lên xuống hạng. Hơn nữa, ngay khi HN.T&T sắp sửa đoạt vé thăng hạng V-League vào mùa giải 2008 thì VFF cũng đã được cảnh báo về nguy cơ “một ông chủ 2 đội bóng”, nhưng rốt cuộc HN.T&T vẫn đường hoàng lên chơi ở V-League, và đến cuối mùa giải 2012 vừa rồi, HN.T&T và SHB.ĐN đã thực hiện một màn “song kiếm hợp bích” khiến SG.XT mất chức vô địch V-League về tay SHB.ĐN, còn khán giả TP.HCM thì nổi cơn thịnh nộ mà cuối cùng cũng hoà cả làng.

Rõ ràng việc V-League bị tụt hạng trên bảng xếp hạng của IFFHS chủ yếu xuất phát từ lý do chủ quan, từ chính chúng ta chứ không phải ai khác, bởi V-League đã dung dưỡng quá nhiều “đặc sản” theo kiểu “chuyên nghiệp ở Việt Nam khác các nước”, để rồi khi xảy ra hậu quả thì bản thân chúng ta lại phải đau đầu tìm cách khắc phục.