[2014 NBA REVIEW] Kì 4 (Kỳ cuối): Cái giá của sự thành công

Cập nhật 02:39 ngày 03/11/2014

Bốn năm dưới kỷ nguyên Big-3, Heat có thành công không? Xin thưa, có. Dù các ông chủ của họ tô vẽ ra cả một thập kỷ với hàng đống danh hiệu nhưng miếng bánh hiện tại đã ngoài sức tưởng tượng của các fan. Và mọi thứ đều có giá của nó.

 



Năm 2010, Heat buộc phải tiết giảm quỹ lương nếu muốn có Chris Bosh và LeBron James. Nhưng ở một động thái khác, họ cần giữ chân Dwyane Wade, Udonis Haslem và mang Miller về. Nên để kéo số lương xuống, các bản hợp đồng sign-and-trade với thời hạn 6 năm và điều khoản tăng lương hàng năm được đưa ra. Hãy nhớ rằng với sign-and-trade quyền quyết định thuộc về cầu thủ chứ không phải đội bóng. Thêm vào đó, Heat cũng nhượng luôn hai quyền draft vòng 1 cho Toronto và hai quyền draft vòng 1 công với hai quyền draft vòng 2 cho Cleveland. 


 





Pat Riley chưa bao giờ đánh giá cao draft, khi mà draft của ông không thuộc top-10 thì lại càng không, miễn là Big Three ở Miami, ông không quan tâm gì hết. Nên sẽ chẳng có cửa cho tài năng trẻ trong đội hình này. Thế mới nói Norris Cole (draft 28-năm 2011) trở thành cái tên trẻ được nhắc đến nhiều nhất dưới thời Big Three không có gì bất ngờ cả. Chúng ta còn phải kể đến Shane Battier và Ray Allen, hai cựu binh chất lượng và có khả năng gây đột biến nhưng với tuổi tác của họ đây không phải là tương lai của Heat.
Xây một đạo quân đã khó, duy trì nó còn đau đầu hơn. Thuế, thuế và thuế được đưa ra để chống lại siêu đội hình.Tất nhiên nó nhận được sự ủng hộ của cả phần còn lại NBA mà tiêu biểu là Dan Gilbert, ông chủ của Cavaliers. Chả ai cấm bạn mua các ngôi sao, chẳng qua là bầu trời càng sáng thì những đồng đô la bị đốt đi càng nhiều. Hệ quả của nó, Mike Miller-dự bị hạng sang với tiền sử chấn thương dày cộm- trở thành kẻ đầu tiên bị đẩy đi, 17 triệu đô la tiền thuế mùa vừa rồi được giữ lại cho Micky Arison. Họ rủng rỉnh được một chút nhưng không biết  bão đang tới gần. 


 




Quyết định đó khiến Heat mất nhiều hơn là được. Không chỉ vì Miller có một mùa giải xuất thần ở Memphis mà còn vì James đang lo lắng cho tương lai, không có Miller để lấp chỗ cho Wade, băng dự bị mờ nhạt, không có lấy một nhân tố trẻ, bầu trời chưa bao giờ u ám đến thế. Khó mà biết được chuyện này ảnh hưởng bao nhiêu đến quyết định trở lại Cleverland của LeBron, như anh từng nói “ngày nào đó” nhưng ít ai nghĩ nó đến sớm như vậy. 
 
James đi cũng đi rồi nhưng quan trọng là Heat trắng tay trong cuộc ra đi đó. 42 triệu đô la cho hai năm hợp đồng và quyền ra đi sau mùa đầu tiên nghĩa là không đủ ba năm trở lên để đạt sign-and-trade, nghĩa là không môt đồng đô la nào được trả lại cho Miami. Hay nói trắng ra, Heat đã tự bắn vào chân từ bốn năm trước.
 
Và viên đạn đi sâu hơn nhiều người nghĩ.


 





Nợ với Toronto họ đã trả đủ, nhưng  với Cleveland vẫn còn đó một draft vòng 1. Với điều kiện top-10 protected sẽ tiếp tục có hiệu lực ở draft 2015 và 2016 thì viễn cảnh xấu nhất Heat buộc phải mất draft 2017 nếu họ được xếp vào 10 draft đầu trong hai mùa tới. Hãy thử tưởng tượng, bạn phải nhượng quyền draft đầu tiên và next-James hay next-MJ đang nằm trên danh sách. Riley chắc chắn cũng nhìn thấy tương lai đó nên điều Heat muốn nhất là trả nợ ngay draft 2015. Đồng nghĩa với viêc Cleverland sẽ có thêm sự bổ xung để níu chân James lâu hơn.
 
Gọn gàng lại thế này, họ đã chi đậm cho cú vụt sáng của mình và “hơi” bất cần cho tương lại phía trước.
 
“Hơi”? Vì lạc quan mà nói họ chỉ mất James (xin hãy lạc quan vì mất mát này), Heat vẫn còn đó nhiều hảo thủ. Bosh sẽ có nhiều đất diễn hơn. Wade, hãy nghĩ tới một Wade khoẻ mạnh là đủ rồi. Luol Deng và Danny Granger có thể là những mảnh vá nửa vời thay cho James nhưng khi cần họ có thừa sự đột biến. Nên biết đâu bất ngờ.


Kết:
 
'4 năm qua đã giúp tôi thay đổi,' James chia sẻ với Sports Illustrated.
Cũng 4 năm đó, Miami Heat hai lần xưng vương, trong sự ganh tị của 29 cái tên còn lại. Nên họ chẳng có gì để hối tiếc.

HẾT



ĐÓN XEM TRÊN VTV3:
09H30 ngày 5.11.2014: Câu chuyện thể thao 'Nhìn lại mùa giải NBA 2013/14'

Đình Cường
(Thethao.vtv.vn)