Bài dự thi VTV Cup của tôi: VTV CUP – TÌNH YÊU Ở LẠI

Cập nhật 03:49 ngày 24/05/2014

Bạn Vũ Ngọc Thu Hiền đến từ Thái Bình đã gửi cho Ban tổ chức VTV Cup của tôi 1 bài viết rất dài và tâm huyết. Bài viết này được ra đời sau khi Hiền được xem phóng sự về một bạn sinh viên ngành Phát thanh – Truyền hình ở TP. HCM mà tình yêu đối với VTV Cup cũng như những tình cảm dành cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã chính là nguồn động lực giúp bạn ấy vươn lên trong cuộc sống.

Tôi viết bài viết này sau khi được xem phóng sự về một bạn sinh viên ngành Phát thanh – Truyền hình ở TP. HCM mà tình yêu đối với VTV Cup cũng như những tình cảm dành cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã chính là nguồn động lực giúp bạn ấy vươn lên trong cuộc sống để thực hiện ước mơ của mình – ước mơ trở thành một BLV thể thao trong tương lai. Có lẽ với mỗi người, VTV Cup sẽ mang những ý nghĩa riêng; đó có thể là một loại sức mạnh vô hình nào đó giúp họ nuôi dưỡng ước mơ của mình, như bạn sinh viên kia; cũng có thể đơn giản chỉ là một giải đấu thể thao, đến hẹn lại lên luôn đem tới những phút giây kịch tính, hồi hộp rồi ngập tràn sung sướng trong niềm vui chiến thắng của người hâm mộ bóng chuyền, để rồi hàng năm, cứ mỗi khi đến hè thì người dân ai ai cũng háo hức mong chờ giải đấu ấy.

Đối với riêng tôi, nhắc đến VTV Cup tôi chỉ biết diễn tả bằng 2 từ duy nhất, đó là “tình yêu”! Tình yêu ấy đã tồn tại, lớn lên và gắn liền với thời niên thiếu của tôi, cùng với những ký ức đã qua – có những điều đẹp vô cùng và cũng có cả chút kỷ niệm buồn… Và đã 10 năm trôi qua, nhưng tình yêu của tôi vẫn chẳng hề thay đổi.

 

 

Ngày ấy, tôi mới chỉ là một cô bé học sinh lớp 6 vô tư và hồn nhiên lắm. Gia đình tôi thuộc hàng trung lưu buôn bán bình thường ở vùng quê lúa Thái Bình. Bố mẹ cũng không phải là cán bộ hay viên chức gì, nên mỗi dịp hè thường thì các bạn trong lớp được đi nghỉ mát với cơ quan của bố mẹ, còn tôi hàng ngày hay về chơi với ông bà, họ hàng; tối đến cả gia đình lại quây quần bên mâm cơm ấm cúng cùng xem TV. Tôi nhớ những ngày hè năm đó mình đã rất háo hức trong những lần xem quảng cáo nói về giải bóng chuyền VTV Cup lần đầu tiên, bởi SEA Games 22 tổ chức ở nước ta cuối năm 2003 lúc ấy qua đi chưa lâu, và tôi thì đã thuộc làu làu tên tuổi của cả đội bóng chuyền nữ Việt Nam từ kỳ SEA Games đó. Dù chỉ giành tấm HCB tại SEA Games năm đó nhưng những cái tên như đội trưởng Phạm Kim Huệ, cây chuyền 2 Đặng Thị Hồng, phụ công Ngọc Hoa, cùng các chủ công Bùi Huệ, Trần Hiền, Phạm Thị Yến đã thực sự trở thành thần tượng trong lòng tôi, cả mùa hè năm đó (2004) tôi chỉ chờ đợi đến những ngày giữa tháng 7 để được xem các chị thi đấu. Và dĩ nhiên với 1 cô bé yêu bóng chuyền đang tuổi mới lớn, sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi cô bé ấy ước mơ sau này lớn lên cũng sẽ trở thành một cô gái thể thao như những thần tượng của mình. Đến bây giờ tôi vẫn không khỏi bật cười khi nhớ lại hồi ấy tôi đã mong ước một ngày nào đó mình sẽ xinh và cao như chị Kim Huệ, có những quả tấn công mạnh mẽ như chị Yến, chơi bóng khôn ngoan như chị Trần Hiền…

Thấm thoắt vậy mà đã qua 1 thập kỷ, cô bé học sinh ngây thơ ngày nào giờ đã là cô sinh viên năm cuối đại học, chuẩn bị ra trường và bước vào vòng xoáy của công cuộc mưu sinh. Cô gái ấy chỉ cao 1m54, nặng 40 kg – tất nhiên là vóc dáng nhỏ bé ấy không phải của 1 VĐV bóng chuyền. Và những mơ mộng trẻ con ngày bé đã trở thành những ký ức ngọt ngào khiến tôi luôn mỉm cười mỗi khi nghĩ về - VTV Cup đã mang lại cho tôi những ký ức tuyệt vời như vậy. Tôi còn nhớ những lần cả nhà ngồi xem những trận đấu nghẹt thở đến set đấu thứ 5, cảm giác như mọi hoạt động đều ngưng lại, bát cơm đang ăn cũng bỏ dở, nhịp tim dường như cũng muốn ngừng đập theo. Rồi đến những pha bóng quyết định, pha đánh lao ngắn của chị Ngọc Hoa hay những quả chị Kim Huệ bật cao ghi điểm ở vị trí số 2 đem về chiến thắng cho đội tuyển, con tim của những khán giả như gia đình tôi vỡ oà trong niềm hạnh phúc. Tôi nhớ rất rõ những lần cả gia đình 4 người chúng tôi nhảy cẫng lên vì vui sướng trong trận thắng của đội tuyển Việt Nam trước đội Vân Nam (Trung Quốc) ở VTV Cup 2005 – 1 trận vòng bảng và 1 trận bán kết. Chúng ta đều bị dẫn trước 2-1 và rồi sau đó vượt lên ở set 4 và 5 với những chiến thắng sít sao ở set cuối cùng (15-12 và 15-13), bố tôi phấn khích đến nỗi tung vỡ cả chiếc ghế nhựa khi không thể ngồi yên mà phải đứng bật lên cổ vũ (dù chỉ là qua màn hình ti-vi), 2 mẹ con tôi thì mắt long lanh rơm rớm nước vì quá hồi hộp và vui sướng, còn thằng em bé tí mới 5 tuổi thôi, chưa hiểu luật chơi bóng chuyền cũng nhảy tót lên ăn mừng theo, xung quanh hàng xóm nhà nào cũng vỗ tay reo hò trong niềm hân hoan hạnh phúc. Cho dù chúng ta không thể giành thứ hạng cao nhất trong 2 kỳ VTV Cup đầu tiên nhưng những cống hiến và ấn tượng mà các chị để lại trong lòng người hâm mộ thực sự là quá tuyệt vời, cùng với đó là niềm tin một ngày không xa đội tuyển của chúng ta sẽ nâng cao chiếc cúp vô địch.

VTV Cup 2006 diễn ra trong những ngày sóng gió của gia đình tôi, khi ông ngoại tôi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Lúc đó, chúng tôi không còn xem bóng chuyền bên gia đình nhỏ của mình nữa, mà là cả đại gia đình, một gia đình lớn gồm ông bà ngoại, các chú dì, cậu mợ và các em tôi. Đó là kỳ VTV Cup mà tôi sẽ không bao giờ quên, bởi những ngày diễn ra giải đấu là lúc ông ngoại tôi đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư phổi, ông vẫn nằm trên giường theo dõi mỗi khi có trận đấu của đội tuyển Việt Nam, và tất cả chúng tôi ngồi quây quần dưới sàn nhà để vừa chăm sóc ông, vừa xem bóng chuyền. Tôi đã tự hỏi, sức mạnh nào khiến ông tôi – người đã bị vắt kiệt sức sống vì căn bệnh quái ác ấy, đang phải vật lộn với những cơn đau đớn quằn quại về thể xác và nỗi tuyệt vọng tinh thần khi biết mình không còn cơ hội để sống, lại có thể vẫn mỉm cười trước những lần ghi điểm của các cô gái bóng chuyền? Có lẽ chính những nỗ lực và sự cống hiến của các cô gái ấy đã đem lại chút niềm vui cuối đời, dù chỉ là rất nhỏ nhoi thôi, cho ông tôi. Có lẽ được chứng kiến nụ cười của những người thân trước những chiến thắng đã giúp ông tạm vơi đi nỗi đau đang hành hạ mình từng ngày. Và có lẽ, tình yêu thể thao, tình yêu dành cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã có thể khiến ông tôi – người đang đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết có thể mỉm cười, khi ấy… Trận chung kết năm đó giữa đội tuyển chúng ta và đội Tứ Xuyên (Trung Quốc), trận đấu cuối cùng của giải, cũng là lần xem bóng chuyền cuối cùng của ông tôi. Nhưng dường như ông đã cạn kiệt sức lực rồi, đôi mắt cũng không còn nhìn rõ được nữa. Sau trận đấu đó tôi đã khóc, gia đình lớn của tôi cũng khóc, không biết là chúng tôi khóc vì ta để thua tiếc nuối 13-15 ở set đấu quyết định rồi đánh mất chức vô địch trong trận đấu kéo dài đến 23h đêm, hay khóc vì nếu chiến thắng, đó hẳn sẽ là một cái kết trọn vẹn cho niềm mong chờ của ông ngoại tôi. Tôi nhớ như in câu hỏi thều thào của ông qua tấm màn: “có thắng không?”, “thua rồi ông ạ” – mọi người đáp. Và rồi hơn 1 tháng sau, ông tôi qua đời. Giá như ông ngoại tôi có thể sống thêm 1 năm nữa thôi, hẳn ông sẽ vui lắm khi được chứng kiến chức vô địch VTV Cup lần đầu tiên của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sau 3 năm dài chờ đợi.

Đó quả là 1 năm đặc biệt khi VTV Cup lần đầu tiên Nam tiến với số lượng các đội tham dự lên đến con số 11, và các cô gái của chúng ta lại có thể giành được thứ hạng cao nhất. Với cá nhân tôi, 2007 cũng là năm không thể hoàn hảo hơn khi tôi thi đỗ vào các trường cấp 3 chuyên của Tỉnh và Quốc gia. Tôi lên Hà Nội để bắt đầu một cuộc sống tự lập xa gia đình khi chưa đầy 15 tuổi, cho đến bây giờ là đã hơn 6 năm ở nhà trọ và ký túc xá, chẳng có ti-vi để xem VTV Cup nên đành xem trực tuyến qua mạng từ màn hình máy tính 14 inch nhỏ xíu. Có những lúc mạng yếu nên giật ghê lắm, nhưng chỉ cần nghe thấy giọng anh BLV Phan Ngọc Tiến hay anh Anh Tuấn hô, “tỷ số là … cho đội tuyển Việt Nam”, “tuyển Việt Nam đã san bằng tỷ số …”, “các cô gái của chúng ta đã vươn lên dẫn trước …” là tôi cũng vui lắm rồi, dù khi đó hình ảnh thì đứng lại, có lúc màn hình còn đen ngòm một lúc lâu nhưng chỉ cần nghe được đội tuyển chiến thắng thì tôi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Và hẳn là Ông Trời không phụ lòng kiên trì mong mỏi của những người hâm mộ nên 2 năm liên tiếp là 2009, 2010 đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã giành cúp vô địch trên mảnh đất Tây Nguyên. Những năm tiếp theo (2011 – 2013) khi giải VTV Cup được tổ chức vào nửa cuối tháng 7 thì những sinh viên như tôi lại có cơ hội được xem qua ti-vi vì được nghỉ 1 tháng hè. 1 tháng hè ngắn ngủi được trở về với gia đình, bên mâm cơm ấm cúng ngày nào, lại được háo hức mong chờ những trận đấu bóng chuyền của VTV. Và tình yêu dành cho giải đấu ấy, dành cho những con người ấy cứ lớn lên từng ngày, cùng với đó là những câu chuyện về tình cảm dành cho đội tuyển cũng ngày càng nhiều lên.

Mùa hè năm ngoái, bố tôi kể cho chị em tôi câu chuyện vui về bác hàng xóm nhà đối diện. Bác ấy cũng là một người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt, đặc biệt là đối với bóng chuyền, ở những giải VTV Cup, khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, một mình bác ấy vỗ tay reo hò chẳng kém tiếng gào thét của 4 thành viên trong gia đình tôi. Nhưng cách đây vài năm bác bị phát hiện mắc bệnh tim, cũng đã có vài trận ốm thập tử nhất sinh; và bác kể với bố tôi rằng, cứ mỗi khi đến những điểm số quyết định cuối mỗi set, hoặc ở set đấu thứ 5 là bác thường phải tắt ti-vi đi không dám xem tiếp, vì những lúc hồi hộp đến nghẹt thở như vậy, chỉ 1 chấn động nhẹ thôi cũng dẫn đến hậu quả khó lường. Chi tiết khiến chị em tôi thấy dễ thương và xúc động nhất là mỗi lúc tắt ti-vi đi như thế, bác thường để ý sang bên nhà tôi, chờ đợi xem bố con tôi nếu reo hò vỗ tay ầm ĩ thì hẳn là tuyển Việt Nam mình thắng, còn không thì…

Vậy đấy, tình yêu đôi lúc đơn giản chỉ bình dị như thế, chỉ là chờ đợi tin chiến thắng của đội tuyển mà thôi. Và tình yêu đôi khi cũng lớn lao đủ khiến những người gần đất xa trời như ông tôi có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật. Tình yêu cũng có lúc âm thầm mà sâu sắc như một bác cổ động viên già luôn mang trên mình bộ quần áo sắc cờ Việt Nam, đã theo chân đội tuyển khắp các tỉnh thành từ Nam Định, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, TP. HCM, Đắk Lắk trong tất cả các giải VTV Cup. Hay thứ tình yêu bình dị của bao người dân Việt Nam, cả ngày làm việc vất vả chỉ chờ đến buổi tối để xem đội tuyển thi đấu cũng đã là một niềm hạnh phúc.

VTV Cup, 10 năm – một chặng đường, đây thực sự là thành công của những người tổ chức khi đã tạo ra một giải đấu đi vào lòng người hâm mộ như một món ăn tinh thần không thể thiếu vào mỗi dịp hè, một cơ hội để đội tuyển bóng chuyền nữ được cọ xát và học hỏi từ các đội nước bạn, cũng là một cơ hội để kết nối tình cảm của những người hâm mộ chúng tôi và các nữ VĐV. Với cá nhân tôi, VTV Cup không hẳn chỉ là một giải đấu, bên cạnh ý nghĩa là một món ăn tinh thần thì dường như cụm từ VTV Cup đã trở thành một phần không thể thiếu đối với tôi – như một “đứa em” sắp bước sang sinh nhật lần thứ 10, một “đứa em” gắn bó với tôi suốt những ngày thơ bé, “đứa em” mà chơi và sống cùng nó là một niềm hạnh phúc lớn lao, là điều tôi không bao giờ chán.Tôi yêu VTV Cup với một thứ tình yêu đặc biệt. Tôi yêu VTV Cup, yêu bóng chuyền bởi ở giải đấu này, ở môn thể thao này, những cống hiến và hy sinh của người phụ nữ đã được ghi nhận, may mắn hơn rất rất nhiều môn thể thao khác. Tôi đã xem những phóng sự về các nữ cầu thủ bóng đá sau khi giải nghệ họ không biết phải làm công việc gì để mưu sinh, có người đi làm công nhân, có người may mắn hơn thì đi làm trọng tài với đồng lương đủ trả tiền thuê nhà và sống qua ngày. Và VTV Cup đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc khi được nghe khán giả gọi tên những Kim Huệ, Ngọc Hoa… dù chỉ là qua ti-vi; VTV Cup cũng mang đến cho chúng tôi một niềm tin tưởng rằng một ngày nào đó, mọi nỗ lực và cống hiến của các nữ VĐV thể thao sẽ được đền đáp xứng đáng. Tôi yêu VTV Cup bởi giải đấu này chẳng phân biệt già, trẻ, nghèo, sang, phú, bần; ai cũng như ai, cũng đều được cổ vũ hết mình đội tuyển nước nhà. Bởi nhà nào mà chẳng có ti-vi, và ti-vi nào mà chẳng có VTV3, VTV2; cho nên có những điều mà chỉ VTV Cup mới có được: Từ những người lương tháng nghìn đô cho đến những người nông dân quanh năm vất vả mà chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng một tháng, từ những người đi chiếc xe bạc tỷ cho đến chú bốc vác mà tôi quen hàng ngày đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi làm, từ những ông bà già gần 80 tuổi, tai đã nghễnh ngãng như ông bà nội tôi cho đến bọn trẻ 4, 5 tuổi hàng xóm… Có thể với cuộc sống hàng ngày, mỗi người trong số họ đều có một ước mơ và dự định riêng, bọn trẻ con thì chỉ thích được vui chơi hết ngày ngày qua ngày khác, ông bà già mong sao mình sống khoẻ mạnh mà thôi, những người dân nghèo nhiều khi cố gắng bươn chải chỉ để đủ ăn chứ chẳng dám nghĩ đến chuyện thoát nghèo, những người khá giả thì phấn đấu để có cuộc sống đủ đầy, sung túc. Nhưng với 1 tuần diễn ra VTV Cup, họ đều có thể theo dõi đội tuyển thi đấu vào các buổi chiều, tối; tất cả đều chung một ước mong, mọi con tim đều hướng về đội tuyển bóng chuyền nữ nước nhà. Đó là khi người ta có thể tạm quên đi những âu lo của cuộc sống thường nhật để chỉ chú tâm vào chiếc ti-vi; là khi kẻ giàu, người nghèo cùng chung một niềm hân hoan hạnh phúc. Đó là khi dải đất hình chữ S với gần 90 triệu dân cùng chung một nhịp đập, một tình yêu và niềm tin chiến thắng. Đó là khi đất nước mình chung một niềm vui.

Bài viết này là lời cảm ơn của tôi dành cho những người tổ chức và thực hiện giải đấu trong suốt 10 năm qua. Nếu như với tôi VTV Cup như một “đứa em” với nhiều kỷ niệm, chắc hẳn với những người thực hiện thì đó chính là “đứa con tinh thần” của họ, khi họ đã ăn cùng, ngủ cùng, sống cùng VTV Cup từng ngày, từng giờ, từng phút để các nữ tuyển thủ có được những giây phút thăng hoa trên sân đấu và khán giả như chúng tôi được thưởng thức những trận cầu mãn nhãn. Từng chương trình Đồng hành cùng VTV Cup, Nhật ký VTV Cup… đã cho thấy công sức và tâm huyết của những người thực hiện – có thể chỉ là 15, 20 phút ngắn ngủi trên truyền hình nhưng ai cũng hiểu thời gian họ phải bỏ ra tính đến hàng giờ, hàng ngày để đem đến những chương trình như vậy cho người hâm mộ. Tôi không thể quên hình ảnh và giọng nói của BTV Thu Nga từ những mùa VTV Cup đầu tiên, trong chương trình giao lưu và trò chuyện với các nữ VĐV tại Tuần Châu, Hạ Long ở chuyến du lịch sau giải đấu; cùng nữ BTV thể thao, BLV bóng chuyền mà gia đình tôi rất yêu thích là chị Tiểu Huyền; giọng nói đặc trưng mà chỉ cần nghe qua 2 từ là biết ngay đó là BLV Anh Tuấn; hay anh Khắc Cường hay được dẫn các chương trình khai mạc và bế mạc giải; và một người luôn luôn theo sát, gắn bó cùng VTV Cup trong suốt 10 năm qua và chắc chắn là trong nhiều năm tới, người mà rất nhiều khán giả mơ ước được như anh ấy (trong đó có cả tôi) – được thường xuyên tiếp xúc với các VĐV, đó là nhà báo Phan Ngọc Tiến. Tôi cũng không thể nào quên hình ảnh của bác Lại Văn Sâm hoà vào dòng người hâm mộ tràn xuống sân ăn mừng chiến thắng cùng toàn bộ ban huấn luyện và đội tuyển trong trận bán kết 5 set nghẹt thở giữa tuyển Việt Nam và tuyển Sơn Đông (Trung Quốc) mùa VTV Cup 2013. Và đằng sau những niềm vui và vinh quang ấy là những đóng góp thầm lặng của những con người ẩn mình trong góc khuất. Khán giả chúng tôi sẽ chẳng biết họ là ai, nhưng làm sao có được những mùa VTV Cup thành công như vậy nếu không có công sức của biết bao con người cống hiến âm thầm ấy? Đúng là những gì xuất phát từ trái tim rồi cũng sẽ đi đến trái tim! Nhưng, chắc chắn những cố gắng và nỗ lực của các VĐV sẽ không thể đến với người hâm mộ, và chắc chắn những tình cảm từ trái tim khán giả cũng không thể tới được trái tim những nữ tuyển thủ bóng chuyền nếu không có những con người ấy - những người thực hiện VTV Cup, đã mang trái tim của chúng tôi đến gần nhau hơn. Người hâm mộ như tôi cũng chỉ biết gửi tới họ lời cảm ơn qua những bài viết như thế này, gửi đến các anh chị đạo diễn trường quay, quay phim, âm thanh, đạo diễn hình, biên tập, thư ký… tất cả những tình cảm chân thành nhất từ đáy lòng của khán giả như tôi. Cảm ơn VTV đã mang đến cho chúng tôi một giải đấu nhiều ý nghĩa!

Cuối cùng, cũng giống như hàng triệu người hâm mộ trên khắp đất nước Việt Nam mình, tôi muốn dành những tình cảm tri ân sâu sắc nhất gửi đến tất cả những nữ tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam. Tôi không có cho mình một thần tượng cụ thể, như bố tôi, với lòng tự hào quê hương, bố rất mến mộ những nữ VĐV quê tôi là Bùi Thị Huệ, Lê Thị Mười; hay với mẹ tôi, một người không xem môn thể thao nào khác trừ bóng chuyền, mẹ lại thích những pha chuyền bóng sau đầu của chị “Hoa béo” – mẹ tôi vẫn gọi chị Hà Thị Hoa đúng như nickname của chị như vậy; và với em trai tôi, cu cậu xem bóng chuyền vì “có mấy chị xinh xinh” như Kim Huệ, Diệu Châu, Trà Giang… Tôi yêu tất cả các chị, những người luôn chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, vì lòng tin tưởng của người hâm mộ chúng tôi. Tôi viết những điều này vào thời điểm khi đất nước ta vừa trải qua những ngày kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng; và lúc này đây, tôi đang nhớ về hình ảnh libero Nguyễn Kim Liên bay người cứu bóng tại giải đấu VTV Cup năm ngoái, và nghĩ rằng, nếu như chúng ta không sống trong thời bình, có lẽ những người con gái này đã là những nữ thanh niên xung phong đầy anh dũng, luôn sẵn lòng xả thân vì dân tộc, và biết đâu lúc đó, tôi lại có thể may mắn trở thành đồng đội của một trong số họ. Ngay cả tại thời điểm này khi chiến tranh không còn nữa, thì đối với người hâm mộ chúng tôi, các chị vẫn thực sự là những nữ anh hùng đã, đang và sẽ mang về vinh quang cho đất nước, với sức chiến đấu mạnh mẽ ẩn trong những nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.

Tre già măng mọc, đã 1 thập kỷ trôi qua và thế hệ trẻ với những Bùi Thị Ngà, Nguyễn Thanh Hương, Lê Thanh Thúy… sẽ nối tiếp tinh thần và sức mạnh của đàn chị đi trước. Có thể đó là những cái tên không mấy quen thuộc với người hâm mộ bóng chuyền bởi những Phạm Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Đào Thị Huyền, Hà Thị Hoa… đã đi sâu và để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng khán giả, nhưng người hâm mộ chúng tôi luôn đặt trọn vẹn niềm tin và sự kỳ vọng vào những người làm nên tương lai bóng chuyền nước nhà, và biết đâu một ngày nào đó, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á, tiến xa hơn trên các đấu trường quốc tế. Và cho dù có người sẽ đến, người ra đi nhưng chắc chắn một điều, không chỉ với cá nhân tôi mà với tất cả khán thính giả hâm mộ thể thao, thì tình yêu sẽ mãi ở lại – đó là tình yêu dành cho VTV Cup, tình yêu dành cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.

Xin chúc đội tuyển của chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, và chúc cho giải đấu VTV Cup vẫn luôn đẹp mãi trong lòng người hâm mộ - như tình yêu vẫn ở lại trong lòng chúng tôi.

 

Vũ Ngọc Thu Hiền

(Thethao.vtv.vn)



Los Angeles Lakers vượt qua Milwaukee Bucks đầy cảm xúc

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Trong những trận đấu gần đây tại NBA, Austin Reaves đang vô cùng nổi bật và trở thành 1 trong những trụ cột giúp Los Angeles Lakers giành chiến thắng.