Nhìn lại những chặng đường VTV Cup - Phần II

Cập nhật 04:57 ngày 08/05/2014

Xuất phát từ ý tưởng của Đài Truyền hình Việt Nam, VTV Cup đã ra đời đã mở ra 1 cơ hội để ĐT Bóng chuyền nữ Quốc gia được thi đấu quốc tế ngay trên sân nhà. Không chỉ đáp ứng nhu cầu còn rất thiếu khi đó của bóng chuyền Việt Nam, VTV Cup còn là 1 ngày hội thực sự với những người yêu bóng chuyền cả nước.

VTV Cup ra đời xuất phát từ ý tưởng tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cùng địa phương đăng cai. VTV Cup ra đời mở ra cơ hội cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam được cọ sát quốc tế nhiều hơn với các đội bóng nước ngoài – điều vốn rất thiếu với bóng chuyền Việt Nam khi đó. Qua 10 năm tổ chức VTV Cup giờ đã trở thành một giải đấu thương hiệu của bóng chuyền Việt Nam

 

Ngay sau kỳ VTV Cup lần thứ I năm 2004, giải đấu đã ngay lập tức tạo dựng được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ bóng chuyền cả nước. Từ thời điểm đó trở đi, VTV Cup đã bắt đầu quá trình trở thành 1 thương hiệu của bóng chuyền Việt Nam.

VTV Cup lần thứ II- 2005: Ít nhưng chất!

(NTĐ Trần Quốc Toản – Tp Nam Định từ ngày 19.6 – 25.6)

Thành công ngoài mong đợi của VTV Cup 2004 chính là cơ sở để VTV Cup những năm sau đó được duy trì liên tục và trở thành giải đấu thường niên. Một năm sau đó VTV Cup tiếp tục diễn ra tại Nam Định và đây là kỳ VTV Cup có ít số đội tham dự nhất từ trước đến nay với 5 đội: Hồng Hà Vân Nam (Trung Quốc); Denso Airy Bees (Nhật Bản); Banimiwittaya (Thái Lan); Zhetyssu (Kazakhstan) và Việt Nam. Dù chỉ có 5 đội tham dự nhưng VTV Cup 2005 lại được xem là một trong những kỳ VTV Cup hay nhất đến từ nhiều yếu tố: phong cách sôi động, chuyên nghiệp của đội bóng Nhật Bản - Denso Airy Bees; lối đánh tầm cao của Zhetyssu; tinh thần trẻ trung của Banimiwittaya; kinh nghiệm tinh quái của Hồng Hà Vân Nam và khát khao cống hiến của đội chủ nhà.

 

Trận đấu đáng nhớ nhất của VTV Cup 2005 là trận bán kết giữa đội tuyển Việt Nam và Hồng Hà Vân Nam. Sau 5 sét, Việt Nam lội ngược dòng thắng 3/2 ( 23/25; 25/23; 14/25; 25/22; 15/13) để lần đầu góp mặt ở trận chung kết. Trận chung kết với Denso Airy Bees, đội tuyển Việt Nam từng gây bất ngờ với chiến thắng ở set đầu nhưng với thực lực và kinh nghiệm nhỉnh hơn, đội bóng Nhật Bản vẫn giành chiến thắng chung cuộc để trở thành chủ nhân của VTV Cup 2005.

 

Inoue Kaori - gương mặt sáng của ĐT Bóng chuyền nữ Nhật Bản từng dự VTV Cup 2005

Kỳ VTV Cup năm đó, câu lạc bộ Denso Airy Bees ngoài chức vô địch còn sở hữu rất nhiều những danh hiệu cá nhân : Sana Ayako – xuất sắc nhất; Ishida – phát bóng tốt nhất; Furudate – libero hay nhất và Inoue Kaori – hoa khôi. Đội tuyển Việt Nam chỉ có mình chủ công Trần Thị Hiền có mặt trong các giải thưởng cá nhân – vận động viên đỡ bước một tốt nhất

 

VTV Cup lần thứ III – 2006

(NTĐ Vĩnh Phúc – Tp Vĩnh Yên Từ ngày 24.7 – 31.7.2006)

VTV Cup 2006 là kỳ VTV Cup đầu tiên tiến hành thi đấu vòng bảng do có 8 đội tham dự:

Bảng A:Sri Lanka; Trẻ Thái Lan; Đại học sư phạm Kharkov (Ukraina); Tứ Xuyên (Trung Quốc)

Bảng B: Việt Nam; Indonesia, Đại học Minsk (Belarus); Đại học Nam Khai (Trung Quốc)

Kết thúc vòng bảng 4 đội lọt vào bán kết: Tứ Xuyên; Trẻ Thái Lan (Bảng A); Việt Nam; Đại học Nam Khai (Bảng B)

Trận đấu để lại nhiều tiếc nuối nhất với người hâm mộ ở VTV Cup 2006 chính là trận chung kết Việt Nam – Tứ Xuyên. Cuộc rượt đuổi tỉ số ở trận chung kết khiến người xem trải qua những giây phút căng thẳng như xem một bộ phim hành động với nhiều diễn biến và kịch tính khó lường. Thua sét đầu 20/25, đội tuyển Việt Nam thắng lại 30/28 ở sét 2. Sét thứ 3, đội tuyển Việt Nam thua sát nút 24/26 rồi sau đó thắng lại 25/20 ở sét 4. Sét thứ 5 – sét đấu quyết định, đội tuyển Việt Nam và Tứ Xuyên giằng co từng điểm một và ở thời điểm cuối tưởng chừng Việt Nam nắm được lợi thế khi dẫn trước 13/12 nhưng pha phát bóng hỏng sau đó của cây chuyền 2 Đặng Thị Hồng khiến đội tuyển Việt Nam đánh mất tâm lý dẫn đến thua ngược 13/15.

 

ĐT Bóng chuyền nữ cảm ơn khán giả Vĩnh Phúc tại VTV Cup 2006

Đóng góp lớn vào chức vô địch của Tứ Xuyên, Chen Jing nhận danh hiệu xuất sắc nhất trong khi đó danh hiệu miss volleyball VTV Cup 2006 thuộc về Boonchoo Saengravee (Thái Lan). Đội tuyển Việt Nam ngoài vị trí á quân còn có 2 danh hiệu cá nhân: Đặng Thị Hồng – chuyền 2 xuất sắc nhất và Nguyễn Thị Ngọc Hoa – tấn công xuất sắc nhất.

(Còn tiếp)

 

Anh Tuấn

(Thethao.vtv.vn)



Những thay đổi đáng chú ý tại F1 trong 5 năm qua

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà phải sau 5 năm GP Trung Quốc mới quay trở lại bản đồ của môn thể thao này.