3 năm triển khai Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 22/12/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển bền vững đã giúp kinh tế khu vực ĐBSCL có sự kết nối vùng chặt chẽ.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến hết năm nay, về cơ bản chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Mục tiêu này được nêu ra 7 năm trước trong Nghị quyết 24, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Trên cơ sở Nghị quyết 24 của Đảng, năm 2017 Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là Nghị quyết có tính lịch sử, bởi chưa bao giờ khu vực ĐBSCL lại được đón nhận những quyết sách lớn cũng như dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển bền vững như trong 3 năm qua.

Thuận thiên để phát triển bền vững

Nước mặn cũng trở thành tài nguyên. Diện tích chuyển đổi luân canh tôm lúa bền vững tại ĐBSCL đã đạt khoảng 200.000 ha, tăng gần 3 lần so với năm 2000.

Trục nông nghiệp xoay chuyển, từ ưu tiên số 1 là lúa gạo đã chuyển sang ưu tiên thủy sản, trái cây.

Nông nghiệp ĐBSCL 3 năm qua đã có sự đầu tư bài bản về hạ tầng, kết hợp các yếu tố kĩ thuật để hạ giá thành, tăng năng suất, chất lượng.

Tại Đồng Tháp, hơn 100 mô hình "hội quán" ra đời giúp bà con tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng.

Từ khi có Nghị quyết 120, Hội đồng điều phối vùng được thành lập. Lần đầu tiên ĐBSCL có bản quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó điểm nhấn là thuận thiên để phát triển.

3 năm qua, ĐBSCL đã đón nhận nhiều dự án hạ tầng lớn, có tính lan tỏa, kết nối nội vùng và liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu như Cái Lớn - Cái Bé, cống Ninh Quới, khánh thành 51km Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre, đường Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ… Bên cạnh tăng vốn đầu tư của Chính phủ thì riêng nguồn lực từ hợp tác quốc tế cho phát triển ĐBSCL đã lên tới gần 2,5 tỷ USD.

Tỷ lệ vốn đầu tư cho ĐBSCL trong tổng vốn đầu tư cả nước đã tăng từ 12% trong giai đoạn trước lên gần 17% trong 5 năm vừa qua. Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của người dân, các cấp, các ngành trong việc xây dựng chính sách, xác định chiến lược, chương trình, dự án trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, nhìn lại những năm qua, có thể thấy khu vực quan trọng này vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức.

ĐBSCL đối mặt nhiều thách thức

Thách thức hàng đầu là GDP bình quân đầu người của khu vực ĐBSCL vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình cả nước. Ngoài ra, vùng đất "Chín Rồng" cũng đang đối mặt với những tác động do biến đổi khí hậu gây ra như triều cường, hạn mặn, sạt lở. Các hoạt động phát triển thủy điện, khai thác tài nguyên với cường độ cao ở thượng nguồn sông Mekong khiến ĐBSCL sẽ tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó để xoay trục, thích ứng thì vai trò của các DN là rất quan trọng, tuy nhiên, vùng trọng điểm của nông nghiệp cả nước hiện vẫn chưa có nhiều DN đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia, bộ ba chính sách lớn gồm Luật Quy hoạch, Nghị quyết 120, thành lập Hội đồng điều phối vùng chính là cơ hội vàng cho ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới. Với việc tập hợp nguồn lực, tư duy và hành động từ nhiều ngành, nhiều phía sẽ giúp tìm ra giải pháp biến các thách thức thành cơ hội phát triển cho ĐBSCL trong thời gian tới.

Giải pháp biến thách thức thành cơ hội phát triển bền vững

Vụ Đông Xuân năm nay ĐBSCL xuống giống sớm so với lịch thời vụ 15 ngày, Đây là cách tránh mặn đã phát huy hiệu quả.

Bên cạnh những giải pháp thích ứng thì giai đoạn 5 năm tới, việc đầu tư những công trình kiểm soát mặn ngọt, công trình chuyển nước ngọt cho những vùng quá khó khăn như Cà Mau, Bến Tre sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Hiện Chính phủ cũng đã xem xét thông qua Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH với số vốn hơn 1 tỷ USD. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tạo ra những thay đổi bền vững cho khu vực.

Có quy hoạch đồng bộ cũng là cơ sở để các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả 3 đề án: Đề án chuyển đổi thuận thiên, kiến tạo, phát triển bền vững, thích ứng BĐKH, Đề án chống sạt lở bờ sông, bờ biển và Đề án hiện đại hóa hệ thống giao thông, thủy lợi ĐBSCL.

ĐBSCL chống xói lở bờ biển sau Nghị quyết 120 ĐBSCL chống xói lở bờ biển sau Nghị quyết 120

VTV.vn - Tháng 11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau gần 2 năm triển khai đã đạt những kết quả tích cực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước