Khánh thành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/03/2022 20:44 GMT+7

VTV.vn - Chiều nay (5/3), tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ qua các thời kỳ rất quan tâm, có quyết tâm lớn đối với việc phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt một số kết quả. (Ảnh: VGP)

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được coi là "siêu cống" lớn nhất Việt Nam, không chỉ phục vụ kiểm soát mặn 5 tỉnh bán đảo Cà Mau là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang, mà còn là điểm nhấn kiến trúc ở khu vực miền Tây. Giai đoạn 1 dự án được khởi công xây dựng từ tháng 11/2019, có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và chủ động trong sản xuất, các địa phương trong vùng không phải triển khai đắp các đập tạm ven sông như hàng năm để phòng chống xâm nhập mặn góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng, xúc động được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Nhấn mạnh, công trình Cái Lớn - Cái Bé trải qua 16 năm nghiên cứu, chuẩn bị, xây dựng mới hoàn thành, Thủ tướng biểu dương nỗ lực, quyết tâm rất cao của các cơ quan, địa phương, sự ủng hộ, phân tích, đánh giá của các nhà khoa học, sự vào cuộc của nhân dân khi hơn 400 hộ phải di dời nhường mặt bằng cho dự án, sự quyết tâm của các nhà thầu, đơn vị tư vấn, những người trực tiếp làm việc trên công trường trong điều kiện dịch bệnh hơn 2 năm qua.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiến hành các thủ tục thanh quyết toán đúng quy định, minh bạch, chống tiêu cực; tiếp tục đầu tư xây dựng những hạng mục còn thiếu, chưa đồng bộ; xây dựng cơ sở dữ liệu và quy trình vận hành phù hợp, khoa học để khai thác, vận hành hiệu quả công trình; nghiên cứu triển khai dự án giai đoạn 2. Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát triển sinh kế, tạo việc làm cho người dân trong khu vực; tiếp tục chăm lo an sinh xã hội cho người dân đã nhường mặt bằng cho dự án, bảo đảm đời sống người dân tại nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ và năm sau cao hơn năm trước.

Thủ tướng chia sẻ, bên cạnh những lợi thế, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng có rất nhiều thách thức. Đây là khu vực chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. Tiềm năng phát triển lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, đầu tư còn có mức độ. Đảng, Nhà nước, Chính phủ qua các thời kỳ rất quan tâm, có quyết tâm lớn đối với việc phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt một số kết quả. Tuy nhiên, sắp tới, việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phải có bước đột phá hơn nữa với tầm nhìn dài hạn theo tinh thần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh nhưng bền vững, tạo sinh kế ổn định, cuộc sống ấm no cho người dân.

Thủ tướng cho biết, tinh thần chung của Chính phủ với phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phải tháo gỡ bằng được các nút thắt về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông - nhất là hệ thống cao tốc, hạ tầng y tế, giáo dục, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kết nối để sản xuất lớn, đẩy mạnh chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước