Kỹ thuật xây dựng học từ kiến lửa ở Brazil

Minh Chi-Thứ sáu, ngày 20/06/2014 18:01 GMT+7

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Georgia (Mỹ) cho thấy, những con kiến lửa đã tự bám vào nhau tạo thành những mảng “bè” không bao giờ chìm.

Những con kiến bé nhỏ sống trong môi trường rừng nhiệt đới ở Brazil luôn có cách để sống sót qua những trận ngập lụt thường xuyên. Vậy, bằng cách nào chúng có thể làm được điều phi thường đó?

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Georgia (Mỹ) cho thấy, những con kiến lửa đã tự bám vào nhau tạo thành những mảng “bè” không bao giờ chìm. Nghiên cứu này được đánh giá là đóng góp rất hữu ích về mặt ý tưởng cho ngành xây dựng.

Trong quá trình theo dõi cách đàn kiến lửa kết nối với nhau tạo thành một chiếc bè, nhóm nghiên cứu đã phát hiện chúng bám vào nhau bằng hàm răng dưới và chân, với một lực gấp 400 lần trọng lượng của chúng.

Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp đóng băng chiếc bè kiến gồm 440 con rồi sau đó tiến hành chụp cắt lớp dưới một máy quét để phân tích mạng lưới phức tạp của chiếc “bè” nổi này.

Ông David Hu, giáo sư trợ giảng Viện nghiên cứu Georgia nói: “Mỗi con kiến có 6 chân, tuy nhiên chúng còn sử dụng móng vuốt và hàm răng dưới để bám trụ vào nhau. Vì thế, trung bình mỗi con kiến trong tổ hợp “bè” có đến 14 kết nối xung quanh nó. Con số này có thể lên tới 21 kết nối ở những con kiến to”.

Các nhà khoa học còn nhận thấy những con kiến lửa này còn dùng chân để mở rộng khoảng cách với các kết nối xung quanh, giữ cho chiếc bè luôn nổi kể cả khi có dòng nước mạnh nhấn chìm nó.

Nghiên cứu về cách kiến lửa xây dựng tổ hợp bè được kỳ vọng sẽ mang lại những sáng kiến có ích cho các kỹ sư xây dựng

Ông David Hu cho biết thêm: “Nghiên cứu này là cần thiết trong phát triển vật liệu xây dựng, con người hoàn toàn có thể học hỏi từ loài kiến lửa để áp dụng vào thực tế”.

Cơ chế liên kết của loài kiến có thể được áp dụng trong phát triển các vật liệu mới hay các robot nhỏ có khả năng liên kết thành những kết cấu lớn hơn và bền vững hơn. Tuy nhiên, làm cách nào để những con kiến biết được phải đi đâu và làm gì thì cho đến nay vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước