Lời giải cho bài toán phát triển âm của doanh nghiệp thời COVID-19

P.V-Thứ sáu, ngày 26/11/2021 10:16 GMT+7

VTV.vn - Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã kéo rất nhiều doanh nghiệp vào vòng xoáy của sự suy thoái, tăng trưởng âm. Vậy làm thế nào để ứng phó tối ưu là vấn đề được quan tâm.

Sự bùng phát của dịch COVID - 19 thời gian qua đã ảnh hưởng không ít tới hoạt động cũng như lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp. Đặc biệt, báo cáo ghi nhận GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Sự ảm đạm của thị trường dự báo có thể sẽ tiếp tục ám ảnh doanh nghiệp 2-3 quý tới.

Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch tập đoàn Novaon & Công ty Cổ phần Novaon Capital - chia sẻ rằng các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp đang có nhiều trăn trở về hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội, môi trường lãi suất thấp, giá cả leo thang, lợi nhuận từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh. Câu hỏi làm thế nào để các đơn vị kinh doanh ứng phó tối ưu trong giai đoạn này đặc biệt được chú trọng.

“Thay vì tìm cách né tránh và cầu mong sóng yên biển lặng, doanh nghiệp nên chủ động xây dựng thêm các cột trụ lợi nhuận tài chính để luôn vững vàng trước các thử thách” - Ông Nguyễn Minh Quý chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, Quản lý Ngân quỹ, hoạt động quản lý vốn và các kênh đầu tư của doanh nghiệp nhằm tạo ra nguồn lợi nhuận tài chính ổn định, nổi lên là một trong những nghiệp vụ thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp thời gian này.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghiệp vụ Ngân quỹ, đặc biệt trong thời kỳ biến động như 2 năm qua, ông Quý chia sẻ vài ví dụ trực quan về hoạt động của các doanh nghiệp tiêu biểu. Nổi bật nhất là về ngành hàng không, khi hầu hết doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam đều mấp mé nguy cơ phá sản, kinh doanh đình trệ. Tuy nhiên, Vietjet Air vẫn duy trì tổng lợi nhuận dương trong 3 quý đầu năm 2021 nhờ lợi nhuận tài chính lớn hơn nhiều so với mức thiệt hại doanh nghiệp phải hứng chịu từ việc cắt giảm số chuyến bay. Cụ thể: Vietjet Air có lợi nhuận tài chính trong quý 3/2020 đạt 1.030 tỷ, quý 2/2021 đạt 1.356 tỷ, quý 3/2021 còn lên tới 1.609 tỷ. Bên cạnh đó, Vinhomes, Sunhouse, FPT,... cũng là các đơn vị duy trì tỷ lệ lợi nhuận tài chính trên tổng lợi nhuận doanh nghiệp xấp xỉ 35% trong 2 năm đại dịch. Với chỉ số tỷ trọng và lợi nhuận tài chính trên tổng lợi nhuận ấn tượng như Vinhomes, có thể khẳng định đây là một trong những doanh nghiệp ứng dụng về nghiệp vụ ngân quỹ số 1 thị trường Việt Nam.

Ông Quý nhận định ở thời điểm hiện tại, cũng như bất kỳ giai đoạn biến động nào của nền kinh tế, doanh nghiệp khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Bởi vậy, thay vì tìm cách né tránh và cầu mong "sóng yên biển lăng", doanh nghiệp nên chủ động xây dựng thêm các "cột chống", đặc biệt là các cột trụ Lợi nhuận tài chính, để luôn đứng vững trước thử thách.

Song, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý và đánh giá kỹ càng cơ cấu nguồn vốn, kênh đầu tư,... trước khi quyết định chiến lược xây dựng, triển khai và quản lý ngân quỹ, nhằm tối thiểu rủi ro không đáng có. Một vài sai lầm phổ biến được Chủ tịch Quỹ đầu tư Novaon Capital chỉ ra như không cân nhắc kỹ nguồn vay, dễ rơi vào tình trạng lạm dụng các đòn bẩy tài chính; dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, vốn trung-dài hạn lại đầu tư ngắn hạn khiến nguồn lợi nhuận thu về chưa tối ưu; thiếu những phương án rõ ràng và các hoạt động cần thiết để xây dựng chỉ số tín dụng...

Lời giải cho bài toán phát triển âm của doanh nghiệp thời COVID-19 - Ảnh 1.

Các yếu tố về Nguồn vốn và Kênh đầu tư doanh nghiệp cần đánh giá khi xây dựng chiến lược ngân quỹ

Ngoài ra, xác định khẩu vị rủi ro cũng là điều quan trọng để quyết định chiến lược đầu tư phù hợp. Lợi nhuận càng cao, rủi ro đi kèm càng lớn, nhà đầu từ kỳ vọng hưởng lãi suất lớn phải chấp nhận rủi ro đi kèm tương ứng. Vị chuyên gia từ Novaon Capital chỉ ra 5 lớp đầu tư phổ biến, sắp xếp theo chiều tăng dần của lợi nhuận và rủi ro.

Lời giải cho bài toán phát triển âm của doanh nghiệp thời COVID-19 - Ảnh 2.

5 lớp đầu tư phổ biến, sắp xếp theo chiều tăng dần của lợi nhuận và rủi ro

4 chiến lược đầu tư cụ thể theo khẩu vị của doanh nghiệp.

Đầu tiên, với doanh nghiệp mong muốn mức tổn thất thấp nhất, có thể áp dụng chiến lược "phòng thủ", tập trung 70% vốn để gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc đầu tư các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, ngoại tệ (USD)… và tách một phần vốn cho các chứng chỉ quỹ mở. Tất nhiên, biên lợi nhuận đổi lại khá khiêm tốn. Trường hợp doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận 11-15% mà vẫn đảm bảo an toàn, có thể chia nguồn vốn theo tỷ lệ 1:1 cho hai danh mục kể trên.

Với khẩu vị rủi ro cao hơn và kỳ vọng lãi suất 15% trở lên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giảm các khoản tiền gửi an toàn và tăng cường quy mô nguồn vốn vào các quỹ đầu tư, giống như phương pháp được Vietjet Air áp dụng.

Cuối cùng, với doanh nghiệp muốn lãi suất tài chính cao nhất, duy trì khoảng 20%/năm, có thể tập trung toàn bộ nguồn vốn vào quỹ đầu tư và chứng chỉ quỹ mở. Chiến lược này đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu tầm nhìn và chuyên môn cùng hệ thống vận hành sẵn sàng theo sát, liên tục tối ưu.

Theo ông Nguyễn Minh Quý, vay vốn không phải là điều xấu, quan trọng bạn vay thì quản lý rủi ro khoản vay như thế nào và vay sử dụng vào việc gì để có nguồn lợi nhuận tốt và để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong cơ cấu của mình nếu không có một chút vốn vay nào thì cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự tốt. Tuy nhiên, trong cơ cấu nguồn vốn có những doanh nghiệp lạm dụng vốn vay sẽ nảy sinh nhiều rủi ro. Thế nên chúng ta phải luôn phân tích loại cơ cấu nguồn vốn để xem nó đã tối ưu chưa, có rủi ro không? Ngoài ra, chúng ta cũng cần điều chỉnh các chiến lược kinh doanh về hợp đồng hay vị thế của doanh nghiệp phù hợp.

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường đầu tư, mới đây, Novaon Capital đã ra mắt giải pháp đầu tư bằng công nghệ AI với mục tiêu gia tăng đột phá giá trị tài sản cho nhà đầu tư Việt. Sự khác biệt của quỹ nằm ở công nghệ trí tuệ nhân tạo ứng dụng với khả năng xử lý hàng triệu điểm dữ liệu về doanh nghiệp và thị trường trong thời gian ngắn, từ đó tự động đề xuất các chiến lược đầu tư sinh lời hiệu quả, quản trị rủi ro tối đa. Trong 12 tháng, mức tăng trưởng lợi nhuận của Novaon Capital đã chạm mức 75%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước