Ném còn là một trong những trò chơi dân gian vào các dịp lễ hội đầu xuân năm mới. Để chuẩn bị cho trò chơi, cần có một khoảng sân rộng, ở giữa đặt một thân tre cao khoảng 15m, trên đỉnh có một vòng tròn dán giấy với một mặt màu vàng tượng trưng cho Mặt Trăng và mặt còn lại màu hồng tượng trưng cho Mặt Trời.

Vật đem lại sự sinh động cho trò chơi là quả còn được trang trí với những tua vải nhiều màu sắc tượng trưng cho 7 sắc cầu vồng. Bên trong quả còn nhồi hạt bông hoặc thóc để cầu mong cho sự sinh sôi, mưa thuận gió hòa trong năm mới.

Thân quả còn đính một sợi dây để người chơi cầm vào đó quay theo chiều kim đồng hồ rồi tung lên. Nếu khéo léo tung quả còn lọt qua vòng tròn, người chơi đó là người thắng cuộc.

Quả còn khi tung lên với biểu trưng như hình rồng bay sẽ tượng trưng cho sức mạnh của con người và vũ trụ. Bởi vậy, khi khai hội, quả còn đầu tiên bay qua vòng tròn sẽ được bóc ra, phát hạt giống cho mọi người với lời cầu chúc thịnh vượng và ấm no.

Ô ăn quan, hay còn gọi là Ăn quan hoặc Ô quan, là trò chơi dân gian phổ biến của trẻ em Việt Nam trước đây. Trò chơi thường có từ 2 - 3 người chơi, sử dụng các vật liệu đơn giản, dễ kiếm như đá, sỏi… để chơi.

Bàn chơi Ô ăn quan được kẻ trên một mặt phẳng, có hình chữ nhật chia thành 10 ô vuông, mỗi bên có 5 ô đối xứng nhau. Hai đầu cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài.

Quân chơi gồm hai loại là quan và dân. Quan có kích thước lớn hơn dân đáng kể cho dễ phân biệt với nhau. Quân chơi có thể là những viên sỏi, gạch, đá, hạt của một số loại quả, nhựa... Số lượng quan luôn là 2 còn dân có số lượng tùy theo luật chơi nhưng phổ biến nhất là 50.

Quan được đặt trong hai ô hình bán nguyệt hoặc cánh cung, mỗi ô một quân, dân được bố trí vào các ô vuông với số quân đều nhau, mỗi ô 5 dân.

Người chơi khi đến lượt sẽ di chuyển dân theo phương án để có thể ăn được càng nhiều dân và quan hơn đối phương càng tốt. Để giành chiến thắng, người chơi cần có tổng số dân quy đổi nhiều hơn. Tùy theo từng địa phương, mỗi quan có thể đổi tương đương bằng 5 hoặc 10 dân.

Đánh đu là trò chơi dân gian rất phổ biến trong dịp lễ hội đầu xuân tại các hội làng. Để chuẩn bị cho trò chơi, những người tổ chức cần dựng lên những cột đu trên một khoảng đất rộng, khô ráo. Các cột đu thường là những cây tre to, dài và phải được chôn sâu, đủ vững chắc để chịu được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy của quán tính.

Những cây tre dài nhưng thon nhỏ, thường là tre đực, được chọn làm cần đu giúp người chơi nắm chắc, không bị tuột tay khi đu nhanh.

Khi chơi đu, tùy theo sở thích mà các người chơi có thể lên đu một hay hai người. Càng nhún mạnh thì đu càng lên cao. Chơi đu đẹp nhất là khi đu đôi, đặc biệt khi cặp đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu.

Đi cà kheo là một trò chơi tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều ở sự khéo léo. Người chơi phải học cách đứng trên những chiếc cà kheo tre hoặc gỗ, giữ được thế cân bằng và điều khiển nhịp nhàng giữa tay và chân để bước đi trên đôi cà kheo.

Một số địa phương thường tổ chức lễ hội đua cà kheo trong dịp Tết Nguyên đán. Lễ hội mang tới tiếng cười sảng khoái cho không chỉ người xem mà cả những người tham gia trong những ngày đầu năm mới.

Đây là một trò chơi đơn giản nhưng vô cùng thú vị, thường được tổ chức tại các khu vực làng quê trong dịp Tết. Những người tổ chức lựa chọn một bờ đất chắc chắn bên ao hoặc hồ và bắc một đoạn tre làm cầu. Một đầu đoạn tre được đặt trên bờ đất, đầu còn lại được buộc vào một sợi thừng chắc chắn nối với những chiếc cột được chôn vững chắc dưới ao.

Người chơi có nhiệm vụ phải giữ thăng bằng và đi từ đầu này đến đầu kia cầu và quay lại. Tại một số địa phương, giải thưởng được treo ngay tại đầu cầu phía dưới ao.

Đấu vật không chỉ là một trò chơi dân gian mà còn là một môn thể thao xuất hiện phổ biến tại các lễ hội trong dịp Tết. Trò chơi là cuộc đấu giữa hai võ sĩ trên một võ đài với trọng tài là người giám sát trận đấu. Người chiến thắng phải vật đối phương ngã ngửa ra sàn hoặc nhấc bổng được đối phương lên.

Trò chơi không chỉ yêu cầu về sức khỏe mà còn cả mưu trí và sự nhanh nhẹn. Nếu khéo léo vận dụng các kỹ thuật đấu vật và lựa chọn thời cơ hợp lý, thậm chí những người có vóc dáng nhỏ hơn cũng có thể thắng được những người to khỏe.

Chọi gà, hay còn gọi là đá gà, được xem là một thú chơi tao nhã trong các dịp lễ hội và ngày Tết. Những chú gà chọi được chọn lựa giống rất kỹ, chăm sóc công phu và luyện tập thường xuyên như những võ sĩ thực thụ trước khi đem ra chiến đấu tại lễ hội.

Các sới chọi gà thường được tổ chức tại các bãi đất, không gian rộng, thu hút đông đảo người xem.

Trong các trò chơi dân gian, đây là trò chơi khá phổ biến không chỉ tại nông thôn mà ở cả các thành phố. Trò chơi không yêu cầu quá nhiều thứ để chuẩn bị. Chỉ cần một khoảng không gian rộng, không có chướng ngại vật.

Những người chơi sẽ oẳn tù tì để chọn ra người thua cuộc. Người này sẽ bị bịt mắt và có nhiệm vụ đi tìm những người khác. Những người còn lại nắm tay thành vòng tròn đi quanh người bị bịt mắt, sau khi hát một bài sẽ dừng lại nguyên vị trí để không làm khó cho người bị bịt mắt.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, người chơi xung quanh có thể không đứng nguyên một chỗ mà vẫn di chuyển khi người bị bịt mắt đi tìm. Những người này có thể vỗ tay để đánh lạc hướng người bị bịt mắt trong khi “tìm bắt dê”.

Khi tìm được một ai đó, người bị bịt mắt phải đoán xem người đó là ai. Nếu đoán đúng, người bị bắt sẽ phải làm người bị bịt mắt thay thế và trò chơi tiếp tục.

Đập niêu đất là một trong những trò chơi dân gian phổ biến tại các làng quê khu vực phía Bắc trong dịp Tết. Trò chơi thường được tổ chức ở những không gian rộng.

Những người tổ chức dựng trước một số cột và buộc dây thừng nối các thân cột với nhau làm giá treo niêu. Những chiếc niêu được treo trên các sợi dây, thường đặt ngang tầm mặt người chơi. Một vạch mốc được kẻ cách điểm treo niêu từ 3 - 5 m làm vạch xuất phát.

Người chơi bị bịt mắt và được trao cho một chiếc gậy dài khoảng 50 cm. Khi bắt đầu trò chơi, người chơi sẽ phải tự định hướng trong khi bị bịt mắt và ước lượng khoảng cách để đập vỡ chiếc niêu được treo sẵn. Phần thưởng dành cho người chơi thường được quy định sẵn hoặc ghi trong mảnh giất đặt trong chiếc niêu bị vỡ.

Đúng như tên của trò chơi, Rồng rắn lên mây đòi hỏi số người chơi không quá nhỏ và sẽ càng thú vị khi có đông người chơi. Đây là một trò chơi đòi hỏi nhiều về sức lực và sự khéo léo của người chơi.

Trò chơi cần có một người đóng vai trò là thầy thuốc hoặc chủ nhà. Những người còn lại xếp thành hàng dài, người sau nắm lấy vạt áo hoặc ôm chắc vào eo của người trước. Đoàn người “rồng rắn” này bắt đầu di chuyển lượn qua lượn lại đến nhà thầy thuốc, vừa đi vừa hát: “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà hiển vinh, hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?”.

Thầy thuốc có thể trả lời có hoặc không. Nếu trả lời không có nhà, đoàn “rồng rắn” sẽ phải đi quay lại và hát như ban đầu. Nếu trả lời có nhà, đoàn “rồng rắn” và thầy thuốc sẽ đối đáp để chọn ra khúc mà thầy ưng ý tùy theo một số địa phương, thường là khúc đuôi.

Sau khi chọn được khúc ưng ý, thầy sẽ bắt đầu đuổi để bắt khúc đó. Người đứng đầu đoàn “rồng rắn” có nhiệm vụ dang tay và lái đoàn người chơi để bảo vệ khúc mà thầy thuốc muốn bắt. Nếu thầy thuốc bắt được người đã chọn, người đó sẽ phải làm thầy thuốc và trò chơi bắt đầu lại từ đầu.

Trò chơi thường được tổ chức trong những ngày nắng ấm của dịp Tết, chủ yếu tại một số vùng quê, nơi vẫn còn nhiều ao hồ. Những người tổ chức sẽ thả một số con vịt xuống ao với lưới hoặc rào quây quanh bờ ao. Mỗi lần, sẽ có khoảng 2 - 4 người chơi đăng ký tham gia bắt vịt trong một khoảng thời gian nhất định.

Những người tham gia chơi phải là những người bơi giỏi và nhanh nhẹn để có thể bắt kịp tốc độ của những chú vịt. Phần thưởng cho người thắng thường là chính những chú vịt mà họ bắt được.

Đây là trò chơi dân gian xuất hiện khá phổ biến, không chỉ trong dịp Tết cổ truyền mà ở cả những dịp lễ hội làng hay các hoạt động, sự kiện hàng ngày. Trò chơi đòi hỏi số lượng người chơi lớn, chia làm hai đội và đạo cụ sử dụng chỉ đơn giản là một sợi dây chắc chắn.

Các thành viên của hai đội sẽ nắm chặt hai bên của sợi dây, đợi hiệu lệnh của trọng tài rồi kéo hết sức sợi dây về phía bên mình. Thông thường, sẽ có một vạch mốc được kẻ sẵn và đội nào có thể kéo đối phương vượt qua vạch mốc, đội đó sẽ giành chiến thắng.

Phát triển từ môn cờ tướng, trò chơi cờ người là một phiên bản “cao cấp” hơn, giúp hiện thực hóa các quân cờ khô cứng trên bàn cờ thành những nhân vật người thật trên bàn cờ khổng lồ. Trò chơi thường được tổ chức tại các lễ hội làng dịp đầu xuân năm mới.

Những người giao đấu trên bàn cờ thật thường là những cao thủ cờ tướng. Một bàn cờ mô phỏng khổng lồ được dựng lên tại một khoảng không gian rộng, thường là sân đình. 32 người đóng vai 32 quân cờ, được chia làm hai đội gồm 16 quân đỏ và 16 quân đen, đứng tại các vị trí tương ứng với các quân cờ trên bàn cờ khổng lồ. Những người này được đeo bảng tên của các quân cờ và thậm chí tại một số địa phương, họ còn mặc trang phục đặc trưng cho mỗi quân cờ.

Mỗi khi các cao thủ cờ thực hiện các nước đi trên bàn cờ thật, sẽ có tiếng trống ra hiệu. Khi đó, người chạy cờ sẽ nhận lệnh và di chuyển trên bàn cờ khổng lồ theo đúng vị trí của quân cờ. Tại một số địa phương, những quân cờ người có thể còn biểu diễn thêm các động tác thay vì chỉ đơn thuần di chuyển tới vị trí mới. Ngoài ra, khi một quân cờ này “ăn” một quân cờ khác, trên bàn cờ lớn sẽ có màn biểu diễn chiến đấu minh họa giữa các quân cờ người.