Chuyện ông giám đốc "khói lửa" từng có ý định… đi tu

Văn Quân-Thứ bảy, ngày 24/05/2014 19:05 GMT+7

Một khuôn mặt nhàu, khắc khổ, trông ông giống như một nông tri điền, một ông phó cối hơn là giám đốc doanh nghiệp. Đã từng có thời gian, đứng trước sự bế tắc của cuộc sống ông đã định... xuống tóc đi tu. Đó là câu chuyện của Vũ Văn Sinh, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Ông Vũ Văn Sinh sinh ra ở một làng có truyền thống làm pháo lâu đời, làng Đàn Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Nói là gia đình có làng nghề truyền thống nhưng với một đàn con gần mười người, bậc thân sinh ra ông cả đời cũng chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Thuở nhỏ, được ăn một bữa no là mơ ước xa xỉ trong lòng cậu bé Vũ Văn Sinh. Gầy gò và ốm yếu, thậm chí 17 tuổi đi khám nghĩa vụ quân sự, ông không đủ tiêu chuẩn. Ở nhà sống cuộc sống ruộng vườn, vài năm sau, lúc ấy ở miền Nam, người Hà Tây phiêu bạt vào đấy mở nghề làm pháo nổ và buôn bán rất phát đạt.

Cùng một người chú họ, ông Sinh khăn gói vào Nam lập nghiệp. Duyên nợ đưa đẩy ông tá túc nhà một người bạn đồng hương. Với những công thức tổ nghiệp truyền lại, ông cùng với người bạn mở xưởng làm pháo và dạy nghề làm pháo. Tất cả bí quyết nhà nghề, tất cả số vốn tích góp được ông đều gửi gắm với người bạn với lời hứa “cả hai sẽ mở một công ty”. Lòng người khó lường, ông Sinh không ngờ, khi tất cả mọi thủ tục đã hoàn tất, trong cơ cấu và nhân lực không hề có tên ông. “Cay đắng và tủi cực, có những lúc tôi đã nghĩ đến việc cầm dao xông đến nhà con người phản trắc ấy. Rồi cuộc đời ra sao thì sao. Nhưng mẹ tôi đã giữ tôi lại, không biết vì sao mẹ tôi biết tất cả. Mẹ tôi đã viết cho tôi một bức thư. Tôi đã đọc đi đọc lại nó hàng trăm lần. Đọc xong chỉ thấy buồn, không nghĩ được điều ác nữa nhưng lòng thì chùng xuống khôn tả. Tôi quyết định về Bắc với hai bàn tay trắng”.

‘ Ông Vũ Văn Sinh với nghề làm đèn truyền thống của quê hương

Chiêu thêm một tuần trà vào ấm, ông Sinh chậm rãi hồi ức về những tháng ngày xa xưa đó. Về nhà với tâm thế của một người ngã ngựa. Chán nản, ông tìm đến rượu để giải khuây và phiêu lưu hồ hải. Mặc cho sự đời, ông lang thang khắp Cao Bằng, Lạng Sơn, làm đủ mọi thứ nghề chỉ để đủ hai bữa cơm một ngày. “Nhưng tôi không ngờ trong những tháng ngày tôi phiêu bạt ấy, cha tôi vì quá buồn đau và lo nghĩ đã ra đi đột ngột. Tôi biết tin thì đã muộn, vượt núi băng ngàn trở về thì cha đã mồ yên mả đẹp”.

Chịu tang cha xong, chẳng tìm ra phương hướng cho tháng ngày sắp tới, ông Sinh lên chùa xin trụ trì ở đây cho được đi tu. Chẳng màng đến danh lợi, được thua… “Tôi lên gặp sư trụ trì, vốn là một thầy đồ mà dân làng hay gọi là ông đồ Đạt. Nghe xong câu chuyện của tôi thầy bảo: “Con không có căn tu vì còn quá nhiều hồng trần nặng gánh. Nhưng con cứ ở đây với ta. Khi nào con muốn xuống núi ta đều đồng ý. Cuộc đời con đã vấp ngã thì chính con phải tự biết đứng dậy”.

Ông Sinh bảo chỉ câu nói ấy của thầy đã khiến ông quyết tâm ở lại. Hàng ngày chỉ đọc sách và nghe kinh. Một thời gian sau, sư thầy gọi ông lên thư phòng và bảo nếu ông muốn quay trở lại nghề của tổ nghiệp ông sẽ giúp. Bây giờ cứ về thăm gia đình rồi một tuần nữa lên gặp thầy. Một tuần sau ông Sinh trở lại chùa, sư thầy đưa ông đến gặp một vị khách người nước ngoài, vốn là một chuyên gia về nghề pháo. “Vậy là vét sạch gia sản, tôi cầm số tiền ít ỏi xin được theo vị khách kia học nghề. Một lần nữa tôi đánh bạc với số phận”.

Một năm nơi đất khách, ông Sinh về quê nhà, lấy vợ. Hai vợ chồng cùng mở xưởng pháo. Chỉ một thời gian ngắn, đã thu hút được lượng khách lớn. Lần đầu tiên cầm số tiền lãi làm pháo, ông xây cho mẹ một ngôi nhà và gian thờ tự khang trang. Thương hiệu “pháo ông Sinh” nổi như cồn. Số tiền lãi hàng ngày được tính bằng đơn vị cây vàng chứ không phải tiền mặt. Nhưng họa vô đơn chí, năm 1994, khi dốc vốn đầu tư cho những dự định lớn, thời điểm này ông bảo phải đến 50% lượng pháo hoa trong cả nước đang ở trong tay ông thì nhà nước có chỉ thị cấm làm pháo.

“Hồi ấy chỉ cấm pháo nổ chứ không cấm pháo hoa. Nhưng ủy ban huyện hồi đó vẫn bắt tôi phải tiêu hủy tất cả số hàng đã và đang làm”. Đau đớn quá mức, ông gửi đơn kêu cứu khắp các báo đài. Nhưng khi báo đài lên tiếng ủng hộ thì tất cả hàng hóa của ông đều đã trở thành phế liệu. Uất ức và nợ nần, vợ ông đã quyên sinh. Từ một “đại gia” ông Sinh trở thành “chúa chổm”. “Tôi không dám nghĩ thời điểm ấy, đi vay mười nghìn đồng cũng không ai dám cho vay”, Ông Sinh cay đắng nhớ lại

‘ Cuộc đời ông Sinh là những nỗ lực không ngừng

Ngày mới bắt đầu

Lại trắng tay, lại chạy ăn từng bữa. “Lúc ấy giá như chết được thì tốt quá. Nhưng thầy tôi bảo chết thì dễ, sống mới khó. Tôi nhớ mãi câu nói ấy của thầy. Nhưng quả thực lúc ấy tôi chẳng biết làm gì. Đành xin đi cày ruộng thuê sống qua ngày nuôi mẹ già”. Thời gian thấm thoát trôi đi, ông Sinh mãi mãi sẽ trở thành một lão nông nếu không một lần vô tình đọc được thông tin trên một tờ báo về ngày giỗ Tổ Hùng vương năm 2000. Nhà nước sẽ tổ chức quốc lễ, sẽ bắn pháo hoa, pháo bông rất lớn. Lòng yêu nghề trỗi dậy, vào phòng gặp mẹ ông lạy mà rằng: “Mẹ cho con phiêu lưu lần này nữa”. Rồi cầm cố gia sản, ông phi xe máy một mạch lên Phú Thọ, gặp Phó Chủ tịch tỉnh lúc này là ông Trần Kim Thau, bảo: “Em là người yêu nghề, em có bằng nghệ nhân. Em muốn làm một chương trình pháo bông để cung tiến cho ngày đại lễ. Hoàn toàn miễn phí”. Xem xong bằng nghệ nhân và các thủ tục, ông Phó Chủ tịch tỉnh chấp thuận.

Về nhà, ông Sinh gọi tất cả những bạn bè còn tâm huyết với nghề, triển khai làm dàn pháo bông… để đời. Và trời không phụ lòng người, chương trình đã thành công vang dội. Tiếng tăm làm pháo bông, pháo hoa của ông Sinh cũng được biết đến. Nhiều địa phương trong cả nước như Hòa Bình, Sơn La, Đăk Lăk… đã gọi điện đặt hàng ông trong những ngày đại lễ của địa phương mình. “Cuộc đời ấy, đôi khi có những hữu duyên rất tình cờ. Tôi ngẫm thấy rằng, số phận chẳng bao giờ bắt ta phải tuyệt vọng. May may rủi rủi. Hư hư thực thực. Đôi khi chỉ là ranh giới. Quan trọng phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy”. Giữa bộn bề sổ sách, bỗng dưng ông nói với tôi về chiêm nghiệm ấy. Được nhiều đơn vị đặt hàng, có thu nhập nhưng thực tế lúc ấy ông vẫn làm việc manh mún, tất cả mọi thỏa thuận đều bằng miệng.

Có một người quen ở Văn phòng Chính phủ, ông Sinh tìm đến và đã nhận được nhiều sự tư vấn hữu ích. Về nhà, ông viết một bản dự án nghiên cứu lại nghề tổ truyền và xin giấy phép thành lập “Doanh nghiệp Trường Sinh”. Doanh nghiệp hoạt động đúng quy củ và trình tự pháp luật với những các hình thức kinh doanh như biểu diễn pháo bông truyền thống, làm khói lửa cho các phim ảnh về chiến tranh… Đó là năm 2006, là những ngày gian khó, giờ đây thì công việc đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ông Sinh nói và cho tự hào với rất nhiều bằng khen của nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Phạm Quang Nghị, Lê Doãn Hợp, các bằng khen về tổ chức thành công Đại hội Đảng lần X, các chương trình mừng Đảng mừng xuân… Tiếng lành đồn xa, nhiều đạo diễn đã tìm đến ông để nhờ giúp đỡ phần khói lửa.

Từ một kẻ ngoại đạo, ông Sinh bước vào phim trường, và một loạt những bộ phim về chiến tranh như Người Bình Xuyên, Đồng Đô la trắng, Áo lụa Hà Đông… phần khói lửa đã do ông Sinh đảm nhận. Để giữ uy tín của công ty và cho chính mình, ông lại cắp cặp đi học một lớp về hóa chất, khí đốt, cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào từng loại công việc. “Nó không cho phép mình được sai sót, chỉ là một sơ suất nhỏ cũng có thể trả giá bằng tính mạng của mình”. Giờ đây với một công ty ở Hà Nội và một xưởng sản xuất tại Hòa Bình, ông ngược xuôi như con thoi với những dự án, kế hoạch...

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước