Bí ẩn Thung lũng trường thọ…(kỳ 2)

Văn Quân-Chủ nhật, ngày 19/01/2014 11:15 GMT+7

Theo trưởng bản Hượp Đinh Văn Nưng, ở Lũng Vân (Tân Lạc - Hòa Bình) nếu tính các bậc cao niên trên 80 tuổi thì ông… chịu. "Nhiều quá, cái đầu không nhớ hết được." Rồi ông lấy các ngón tay ra bấm, cũng mất vài lượt, tính sơ sơ đã trên 50 cụ được ông Nưng nhắc đến.

"Còn muốn biết bí quyết sống lâu của các bố các mế, nhà báo phải đến tận nơi để hỏi thôi, ta không biết trả lời như nào cho đúng được". Theo chân ông Nưng, chúng tôi tới thăm gia đình mế Đinh Thị Nhậng ở xóm Nghẹ...

‘ Tác giả và cụ bà năm nay vừa tròn 108 tuổi hạc

Kỳ 2: Bí ẩn thung lũng tuổi trời

Nhà mế Nhậng ở tít trên một quả đồi, ông Nưng bảo những khi nắng ấm, vẫn thấy cụ nhẩn nha dạo chơi ngoài ngõ, thi thoảng, buồn chân tay cụ còn đi bộ xuống đường trò chuyện với bà con rồi lại leo ngược quả đồi lên nhà. Qua cái tết này, mế Nhậng sẽ tròn 108 tuổi. Khi chúng tôi đến, đúng hôm trời mưa phùn gió bấc, mế chẳng đi đâu mà ngồi quanh bếp lửa để sưởi ấm. Bằng cái giọng lơ lớ của người không có nhiều vốn tiếng Kinh, mế nhìn tôi cười bảo: "Rét không, có năm ở đây tuyết rơi trắng trời rồi đấy. Cái lu nước để ngoài sân đóng băng hết cả. Mọi người lại phải khiêng vào bỏ trên bếp cho tan băng ra."

Theo ông Nưng, nhiệt độ ở Lũng Vân rất khác với những vùng khác, thường là chênh lệch khoảng 5 - 7 độ. Mùa đông thì giá buốt, mùa hè thì rất nóng nên từ khi sinh ra ở đất này, con người đã phải chấp nhận và tự thích nghi với môi trường sống để tạo cho mình một sức khỏe cũng như sức đề kháng. Chúng tôi đang ngồi nói chuyện với mế Nhậng thì con gái Mế đi rừng về. Con gái mế Nhâng là… cụ Bùi Thị Đe. Sở dĩ chúng tôi phải mạo muội gọi "cụ" bởi năm nay cụ Đe cũng đã ngoài 80 tuổi. Vượt qua tuổi "xưa nay hiếm" từ lâu nhưng cụ Đe vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Hay nói cho công bằng thì chưa hề thấy có một dấu hiệu tuổi già nào ở người phụ nữ Mường này. Theo cụ Đe, bà con ở đây từ trước sống ở Lũng Vân hầu như biệt lập với bên ngoài. Cá bắt dưới suối, lúa lấy trên nương, tự sản tự tiêu và khái niệm ô nhiễm môi trường thì chưa bao giờ xuất hiện ở đây.

‘ Hai mẹ con cụ Nhâng (108 tuổi) và cụ Đe (81 tuổi)

Cụ Đe cũng bảo, bí quyết trường thọ có được ở đây cũng một phần nữa là nhờ vào cây thuốc Nam. Trước đây, khi chưa có sự giao lưu và khám phá của người vùng khác thì đây thực sự là một "khu vườn" của những cây thuốc Nam quý. Mấy năm trở lại đây, tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đặt chân đến đất này để săn tìm các dược liệu quý cho Đông y, thậm chí có nhà văn hóa còn khẳng định rằng, Lũng Vân là nơi có nhiều cây thuốc quý nhất của tỉnh Hòa Bình. "Ăn uống thì cũng chẳng có gì đặc biệt đâu. Cụ tôi thời trẻ phải mấy tháng mới có được miếng thịt, chủ yếu chỉ ăn cá suối và rau rừng thôi. Có lúc hết gạo cũng phải ăn cả củ nâu củ sắn thay cơm đấy chứ. Nhưng người Mường Lũng Vân, sáng nào trước khi lên nương cũng ăn một bát xôi thật đầy, ăn xôi chắc cái bụng và khỏe đôi chân đôi tay lắm"- cụ Đe giải thích thêm với chúng tôi.

Cụ cũng nói thêm rằng ở đất này, 70 - 80 tuổi chưa phải là tuổi nghỉ ngơi, chính vì vậy mà hôm nay, biết chúng tôi đến chơi mà cụ không kịp về đón tiếp vì vướng vụ cấy trên nương. Theo cụ Đe, lao động cũng giúp con người sống lâu sống khỏe và cứ chăm chỉ lao động đến khi nào cơ thể báo hiệu nên dừng lại thì dừng chứ không căn cứ vào tuổi tác. Còn theo trưởng bản Đinh Văn Nưng, vùng đất ông đang ở cũng chưa bao giờ có khái niệm nước máy, tất cả đều dùng vào nước tự nhiên. "Ở đây ba dòng suối, suối Hượp, suối Trong và suối Miêu tạo thành một hợp lưu dòng chảy, dân làng bao đời cứ đến đó múc nước về sinh hoạt. Ăn uống, pha trà, cất rượu đều lấy từ nguồn nước đó".

Cũng theo ông Nưng, ở Lũng Vân, trà uống hàng ngày các ông đều tự trồng tự sao, nước không đắng mà có vị ngọt, rất tốt cho gan, thận. Còn rượu thì không phải nói, ở cái vùng đất chưa đến 1000 hộ dân là Lũng Vân này nhưng thương hiệu rượu Hượp đã dành giải nhất trong cuộc thi rượu do tỉnh Hòa Bình tổ chức năm 2007. Và theo người đàn ông này, nếu uống rượu Hượp đều đặn và đủ liều lượng sẽ đem lại cho con người một sức khỏe dẻo dai và cường tráng.

Tôi cũng không muốn làm phiền ông trưởng bản cứ đưa hết ngón tay này đến ngón tay khác để đếm tổng kết xem ở Lũng Vân này có khoảng bao nhiêu bậc cao niên (cứ tạm lấy thước đo) là trên 90 tuổi. Bởi ông không nhớ hết và cũng chưa bao giờ thống kê. Ông chỉ nhớ rằng cứ dịp cuối năm, cùng với các cán bộ của ủy ban xã Lũng Vân, các ông lại chia nhau tỏa về các bản để mang những tấm lụa mà Chủ tịch nước trao tặng cho các cụ sống lâu sống thọ. Những hôm ấy là những ngày mà bản làng đông vui như những ngày hội và có lẽ, đó là điều kỳ thú và phúc phận nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất nằm sát "cổng trời" này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước