Lập tỉnh - nét văn hóa độc đáo người Dao...(Kỳ 1)

Văn Quân-Thứ năm, ngày 26/12/2013 18:40 GMT+7

Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (Tân Sơn - Phú Thọ) nói với tôi rằng, trong những nét văn hóa của người Dao, một tập tục ra đời lâu nhất và quan trong nhất đối với cuộc đời một con người là ngày lễ Lập tỉnh, hay còn gọi là lễ cấp sắc.

Kỳ 1: Nét văn hóa độc đáo cổ xưa...

‘ Chủ tịch xã Bàn Văn Lâm

"Lễ trưởng thành"..

Bản thân anh Lâm, một người Dao gốc cũng không biết chính xác, Lập tỉnh (hay con gọi là lễ cấp sắc) được ra đời từ bao giờ. Anh chỉ biết rằng, từ thời ông bà cha mẹ và trước nữa, thủ tục này đã xuất hiện trong cộng đồng người Dao. Hỏi những già làng trưởng bản cũng chẳng ai biết vì hầu hết trong các thư tịch cổ của người Dao, Lập tỉnh cũng được nhắc đến nhưng không nói rõ xuất xứ và ra đời tự bao giờ. Anh Lâm cười bảo: "Có lẽ nó xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa.Từ lúc cộng đồng người Dao xuất hiện trên đời." Lễ Lập tỉnh, được hiểu nôm na như "lễ ghi nhận trưởng thành của một người đàn ông". "Thường thì khoảng mười tuổi trở lên là đủ điều kiện để tiến hành làm lập tỉnh. Nhưng vấn đề quan trọng nhất mà rất nhiều gia đình phải đối mặt là kinh phí. Vậy nên tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình mà thời gian và độ tuổi của mỗi trường hợp có khác nhau".

Anh Lâm bảo nếu tôi lên Tân Sơn sớm hơn vài tháng, tức là những ngày sau tết âm lịch anh sẽ mời về ngay gia đình anh để dự lễ Lập tỉnh cho con trai anh. "Nó đang công tác trên huyện Tân Sơn và cũng phải ngoài hai mươi tuổi vợ chồng tôi mới làm Lập tỉnh cho cháu". Theo anh Lâm độ tuổi ấy là hợp lí. Không quá sớm cũng không quá muộn. Ở tuổi ấy, cậu trai sẽ hiểu được ý nghĩa cũng như trách nhiệm của một người đàn ông trưởng thành. Vị thế và trọng trách của mình với gia đình, dòng họ và cộng đồng, theo chủ tịch xã Xuân Sơn, đó cũng là điểm tích cực của nét văn hóa này.

Và hơn nữa, trong những thư tịch cổ của người Dao cũng dạy rằng, phàm những việc như giết người, đốt nhà, nói dối… là điều tối kỵ. Sách cũng dạy rằng phải chung thủy một vợ một chồng, kính trên nhường dưới, hiếu thuận với mẹ cha. Thực tế, với không ít người Dao, khi chưa làm lễ Lập tỉnh thì phạm đủ thứ chuyện như rượu chè, gây gổ đánh nhau, cãi nhau… Nhưng khi đã được… "đặt tên", các trò đã "ngoan hiền" và sống đầy trách nhiệm, chí thú làm ăn xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo chân Chủ tịch Bàn Văn Lâm chúng tới thăm "thầy mo" Bàn Văn Thành ở bản Cỏi xã Xuân Sơn. Ông Thành trước cũng là cán bộ ở xã giờ đã nghỉ hưu và trở thành người lo việc vui buồn hiếu hỉ gần như cho cả xóm.

‘ Ông Bàn Văn Thành đang kể về các thủ tục trong lễ lập tỉnh

Những thủ tục độc đáo

Theo ông Thành, làm gì không biết, nhưng làm lễ Lập tỉnh thì "thầy" dứt khoát phải có họ hàng với đằng nhà mẹ của cậu trai đang định làm lập tỉnh. Đây là một hình thức bao gồm cả phần lễ và phần hội. Phần lễ là dành cho chủ thể của lễ Lập tỉnh và phần hội là dành cho gia đình họ hàng và cộng đồng. Thủ tục và các điều kiện để làm Lập tỉnh cũng khá nhiêu khê và cầu kì. "Ba ngày trước khi làm lễ, người con trai phải ăn chay, nếu có vợ rồi thì không được gần gũi vợ, không được tiếp xúc với chó mèo, các thứ dơ bẩn trong nhà ngoài ngõ. Phải làm như vậy thì "lễ trưởng thành người lớn" mới linh nghiệm." Ông Thành cho biết. Đến ngày lễ chính thức, "thân chủ" phải chuẩn bị ít nhất hai con lợn nặng trên 10kg cạo sạch sẽ lông đặt ngay ngắn trên mâm. Tiếp đó là 100 lit rượu cũng phải chuẩn bị đầy đủ, rồi muối, lá giong, giấy Dó (để tổ tiên ban cho tên).

Bước đầu vào lễ, thầy mo sẽ mặc những bộ quần áo sặc sỡ, tay cầm những ngọn nến và nhảy múa như đang lên đồng. Sau khi nhảy múa xong, thầy sẽ bắt đầu khấn tụng. Những bài khấn được viết bằng chữ Dao cổ rất khó đọc, truyền từ đời này sang đời khác. Sau khi trình bày xong bài khấn, thầy mo sẽ mang ra hai khúc tre kho rồi tung lên. Và điều kiện bắt buộc, ba lần tung liên tiếp hai thanh tre phải cùng sấp, rồi cùng ngửa, rồi một sấp một ngửa thì coi như tổ tiên đã chấp nhận tên gia chủ chọn là "tên khai sinh" của người con trai được làm Lập tỉnh. Còn nếu những yêu cầu về gieo quẻ âm dương bằng tre mà không đạt thì gia đình phải chọn một tên khác và lại xin quẻ khác đến khi được một thôi. Vậy nên mới có chuyện, để đạt được yêu cầu khắt khe ấy, có lễ lập tỉnh phải xin cả ngày trời mới đủ ba yếu tố sấp ngửa liên tiếp. Và khi tổ tiên đã chấp nhận "khai sinh" cho gia chủ một cái tên mới, khác với tên trong giấy khai sinh nhưng theo ông Thành, với người Dao, cái tên này rất quan trọng, nó có ý nghĩa suốt cả cuộc đời và sau này, khi cưới xin, ma chay đều phải xướng tên đó.

Sau lễ Lập tỉnh, gia chủ có thể tham gia mọi hoạt động trong làng bản, được dự đám cưới, đám chay... với tư cách của một người trưởng thành. Và cũng từ đó, gia chủ phải gọi vị thầy cũng đã làm lễ Lập tỉnh cho mình là cha, gọi vợ của thầy là mẹ và hàng năm lễ tết đều phải thăm hỏi, chúc tụng...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước