Ngàn người đội mưa khai hội Đền Cờn

Teho Dantri-Thứ năm, ngày 12/03/2015 05:00 GMT+7

Mọi người đều thành kính dâng nén hương thơm cầu những điều tốt đẹp đến với gia đình bản thân trong năm mới.

VTV.vn - Trong thế giới tâm linh của người dân xứ Nghệ, Đền Cờn là ngôi đền linh thiêng bậc nhất.

Bởi thế, dù thời tiết năm nay mưa dày hạt hàng ngàn du khách thập phương cùng nhân dân trong vùng về dự ngày khai hội.

Đã thành thông lệ, hàng năm vào ngày 20/01 âm lịch (tức ngày 10/03 dương lịch) Đền Cờn thuộc xã Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai, Nghệ An), chính thức khai hội ngày xuân. Năm nay mặc dù trời mưa nặng hạt nhưng vẫn không cản nổi dòng du khách đổ về đền ngày khai hội. Hàng vạn du khách thập phương cùng nhân dân địa phương đã nô nức tới dự, khiến cho không khí ngày khai hội long trọng hơn.

Tọa lạc bên dòng Mai Giang thơ mộng, Đên Cờn thuộc làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Đền Cờn đã từ lâu được mệnh danh là ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ. Dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Nhất Cờn, nhì Qủa, Bạch Mã, Chiêu Trưng” ý muốn nói đến vị trí của bốn ngôi đền linh thiêng nhất Nghệ An từ xưa đến nay. Và Đền Cờn xếp vị thế đầu tiên.

Đền Cờn được xây dựng từ thế kỷ XIII giới thời nhà Trần và phát triển quy mô lớn ở thời Lê và được trùng tu nhiều lần dưới Triều Nguyễn. Đền Cờn thờ Tứ vị Thánh nương linh hiển - người đã phù trợ nhà vua đánh thắng giặc ngoại bang nên được nhà vua ban cấp tiền bạc để xây dựng nên ngôi đền bề thế, uy nghiêm.

Sử sách chép lại răng vào Triều Nam Tống (Trung Quốc) thất thủ bởi quân Mông Nguyên. Vua tôi cùng Thái Hậu, Hoàng Hậu và hai công chúa lên thuyền chạy về phía nam lánh nạn. Không may thuyền gặp sóng to đánh chìm, mọi người trên thuyền đều thiệt mạng. Duy chỉ có 4 mẹ con Thái Hậu bám được vào cột buồm và trôi dạt vào dãy núi Quy Lĩnh (thuộc huyện Quỳnh Lưu ngày nay - PV) và họ được một nhà sư cứu vớt, chăm sóc.

Nhưng nghĩ đến cảnh nước mất nhà tan, vua tôi cùng các tướng lĩnh đã tử nạn. Nên 4 mẹ con gieo mình xuống dòng sông tử vẫn. Lạ thay sau đó thi thể của 4 người nổi lên vẫn còn hồng hào như người còn sống, lại còn tỏa ra mùi hương thơm lạ thường. Tứ vị thánh nương nhập vào một cây gỗ lớn trôi dạt vào vùng Lạch Cờn, nay thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai và được người dân vớt vào lập miếu thờ phụng.

Nhờ có công phù trợ vua đánh thắng giặc ngoại bang nên năm Hưng Long thứ XX (tức năm 1312) Vua Trần Anh Tông sau khi chiến thắng giặc trở về đã phong sắc “Đại càn quốc Nam hải Tứ vị Thánh Nương”, ban vàng bạc châu báu cho xây dựng đền. Đến năm Hồng Đức thứ nhất (1470) đền một lần nữa được vua Lê Thánh Tông ban vàng bạc châu báu để trùng tu tôn tạo và mở rộng.

Năm 1993, Đền Cờn chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền được phục dựng và mở rộng cùng với các lễ hội, phong tục truyền thống như: lễ rước kiệu từ đền ngoài vào đền trong, lễ hội đua thuyền, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, cờ thẻ...) hay tục chạy ói vô cùng đặc sắc, lễ hội cầu ngư mang đậm phong tục nếp sống của ngư dân miền biển nơi đây..

Lễ rước kiệu được tổ chức linh đình long trọng bằng cả hai đường thủy bộ vào cả ngày và đêm 21/01 quãng đường kéo dài gần 10km nên. Đoàn rước gồm có 4 giáp có cả nam và nữ tham gia. Kiệu và tượng thần sẽ được từ đền đi qua các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng và điểm đến cuối cùng là đền Quy Lĩnh, Quỳnh Phương, nên thu hút rất đông người dân trong vùng tham gia.

Lễ hội Đền Cờn năm nay được tổ chức trong hai ngày 20 và 21 tháng 01 âm lịch (tức ngày 10 và 11/ 03 dương lịch). Lễ hội gồm 2 phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm Lễ khai quang, Lễ Yết cáo, Lễ khai hội - Lễ mới, Lễ Cầu ngư, Lễ hợp tế, Lễ Yết vị, Lễ đại tế và Lễ tạ.

Đến với lễ hội đền du khách không những được hòa mình vào phần lễ trang nghiêm, uy nghi, thành kính mang đậm bản sắc phong tục của người dân vùng biển Làng Quỳnh, mà còn được sống với không khí lễ hội vô cùng sôi động với các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, chọi gà, cờ thẻ, cờ người...

Bên cạnh đó các hoạt động thể thao như: Đua thuyền, Bóng chuyền cũng thu hút sự chú ý của đông đảo du khách. Đặc biệt năm nay còn có thêm hội thi chim (chim chào mào) với sự góp mặt tranh tài của gần 100 chú chim quý khắp vùng tạo sắc mới cho lễ hội.

Anh Nguyễn Văn Tuấn một du khách chia sẻ: “Năm nào tôi cùng gia đình đều sắp xếp thời gian để tham dự ngày khai hội tại đền. Với người dân miền biển Đền Cờn vô cùng tâm linh nên cả gia đình đến để thắp nén hương, thành kính lên các vị thần linh mong cho cuộc sống của cả nhà được che chở phù hộ, sức khỏe và làm ăn được gặp nhiều may mắn”.

Không khí trong ngày khai hội năm nay hết sức sôi động và hoành tráng với sự tham gia của hàng vạn du khách và người dân địa phương. Cuối chiều, tiết trời miền biển nơi đây mây mù, mưa xuân vẫn phơi phới bay càng làm cho dòng Mai Giang thêm êm đềm, thơ mộng... Nó như được khoác một màu áo mới với đội thuyền được trang hoàng lộng lẫy phục vụ cho lễ hội. Ngày khai hội Đền Cờn cũng được UBND thị xã Hoàng Mai chọn là ngày khai trương du lịch thị xã trong năm 2015.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước