Quy chế tuyển sinh 2022: Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 13/06/2022 20:09 GMT+7

VTV.vn - Quy chế tuyển sinh 2022 vừa được Bộ GDĐT công bố cuối tuần qua có một số điểm mới, trong đó có những điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi xét tuyển của các thí sinh.

Điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học

Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cuối tuần qua có một số điểm mới, trong đó chủ yếu là những điều chỉnh có tính chất kỹ thuật trong quy trình tổ chức tuyển sinh, đảm bảo thuận lợi hơn cho thí sinh và thống nhất, chặt chẽ hơn trong công tác tổ chức xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng mầm non trên toàn quốc.

Trong đó có những điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi xét tuyển của các thí sinh, như:

+ Thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến.

+ Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của đợt xét tuyển 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định. Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt (thay vì hai đợt như trước đây).

+ Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh trên toàn hệ thống sẽ được đưa lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất. Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí - phí giữ chỗ.

So với mọi năm, thời gian ban hành Quy chế tuyển sinh năm nay có thể nói là muộn hơn một chút. Ví dụ như năm 2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh ngay từ đầu tháng 5, năm ngoái thì ban hành vào 1/6, còn năm nay là vào khoảng gần giữa tháng 6. Trong khi đó thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các năm là tương đương nhau. Điều này đã khiến cho các trường phải chủ động hơn trong công tác tuyển sinh. Ngoài ra còn những vấn đề nào đáng quan tâm về Quy chế tuyển sinh 2022 - từ góc độ các đơn vị đào tạo?

Quy chế tuyển sinh mới tạo thuận lợi cho thí sinh

Nhận định được hầu hết đại diện các cơ sở đào tạo đưa ra là Quy chế tuyển sinh năm nay tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

Đáng chú ý nhất, nếu như năm trước, các thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, như xét học bạ, xét các loại chứng chỉ, xét tuyển thẳng thì ngay sau khi biết điểm của kỳ thi, các em sẽ phải xác nhận nhập học ngay. Còn năm nay, các trường chỉ có trách nhiệm thông báo kết quả xét tuyển của các phương án nói trên, không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm. Điều này sẽ giúp các em có thêm những lựa chọn khác phù hợp với mức điểm các em đạt được. Đồng nghĩa với việc, các cơ sở đào tạo sẽ không còn lượng chỉ tiêu "chắc chắn". Vì vậy việc chủ động phân bổ chỉ tiêu cho các phương án tuyển sinh là hết sức cần thiết. Ví dụ như Đại học Bách khoa Hà Nội dành đến 80% chỉ tiêu cho các phương án tuyển sinh khác, ngoài phương án tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Điểm đáng lưu ý nữa là thay vì chỉ đăng ký lên hệ thống nguyện vọng xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm nay, các phương thức xét tuyển khác cũng phải được đăng ký lên hệ thống chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Đây quy định thuận lợi cho các cơ sở đào tạo vì có thể lọc ảo gần như tuyệt đối.

Theo thống kê, trong kỳ tuyển sinh năm nay, có gần 90 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức xét tuyển, khoảng 50 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức, và khoảng 20 đơn vị sử dụng kết quả bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong trường hợp này, các đơn vị đào tạo và các thí sinh hoàn toàn có thể chủ động, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ mang tính điều kiện.

Cách tính điểm ưu tiên tuyển sinh từ 2023

Trong Quy chế tuyển sinh 2022 còn một điểm mới quan trọng đó là thay đổi cách tính điểm khi xét tuyển đại học, cao đẳng. Bắt đầu từ năm sau, các thí sinh sẽ không cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng như hiện nay. Điểm 22,5 sẽ là mốc. Dưới 22,5 điểm sẽ cộng như hiện nay, còn trên 22,5 sẽ có cách tính khác. Điều này sẽ đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh có hoặc không có điểm ưu tiên.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước