BTV Huyền Sâm kể về "Câu chuyện của tôi"

HOANG MAI-Thứ ba, ngày 18/05/2010 15:00 GMT+7

"Câu chuyện của tôi" là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc và có một ý nghĩa rất lớn đối với tất cả mọi người" - BTV Huyền Sâm, người phụ trách chuyên mục chia sẻ.

Chào chị Huyền Sâm, hơn 1 năm qua, chương trình Hồ sơ bệnh án phát sóng trên kênh O2TV đã nhận được rất nhiều cảm tình từ khán giả xem truyền hình vậy tại sao chương trình lại thay đổi format thành "Câu chuyện của tôi"?

Như các bạn biết thì "Hồ sơ bệnh án" là một trong những chuyên mục phát sóng vào ngày đầu tiên khi kênh O2TV lên sóng (8/8/2008). Sau một năm chuyên mục đã thực hiện được 24 chương trình với 24 câu chuyện gắn với những số phận con người khác nhau, đặc biệt đây là những câu chuyện khá điển hình, khá đặc biệt về quá trình đi chữa bệnh của mỗi bệnh nhân.
Để đáp ứng những tình cảm khán giả dành cho chương trình, chúng tôi mong muốn đem những cái mới nhất, nhiều thông tin nhất và những câu chuyện mở rộng hơn nữa đến với khán giả... Chính vì lẽ đó, "Hồ sơ bệnh án" có format mới và mang tên "Câu chuyện của tôi".
Vậy có sự thay đổi nhiều không ở format mới thưa chị?
Bản chất của chương trình vẫn vậy, nhưng đề tài thì được mở rộng hơn. Ở "Câu chuyện của tôi", chúng tôi đã mở rộng vấn đề, nói về những con người phải vượt qua số phận như thế nào, bằng cách nào và vượt qua ra sao... Mục tiêu của chương trình là hướng tới những người đã từng trải nghiệm và vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Những người đó không phải chỉ riêng là người bệnh, mà họ còn là người thân của bệnh nhân, những bác sĩ trực tiếp điều trị, những người cùng chung cảnh ngộ, những người chưa gặp phải bao giờ nhưng sẵn sàng chia sẻ và san sẻ nỗi khó khăn... Và quan trọng hơn là được thấy quá trình vượt khó của những con người có hoàn cảnh éo le ấy như thế nào, đã chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ những kinh nghiệm ấy ra sao...
"Câu chuyện của tôi" mang tính nhân văn sâu sắc và có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả mọi người chứ không riêng gì người bệnh?
Đúng thế! Tính nhân văn của chương trình rất hay, rất sâu sắc. Bởi vì chính yếu tố tâm lí đã giúp những con người ấy vượt qua, giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống để tiếp tục sống sau những gì đã trải qua. Những chia sẻ, cảm thông chẳng khác nào liều thuốc tinh thần quý báu trong cuộc sống. Điều quan trọng là giúp được những người không may ấy củng cố về mặt tinh thần, giúp tất cả mọi người hiểu hơn được ý nghĩa của cuộc sống... Trong cuộc đời, mỗi con người đều phải đối mặt với những khó khăn, nhưng với sự tự tin, lạc quan và luôn nhận được cảm thông chia sẻ từ người thân sẽ giúp họ vượt qua được những khó khăn ấy và tiếp tục một cuộc sống tươi đẹp.
Có những trường hợp, một người mẹ có con bị ung thư, họ phải chứng kiến con họ chết từng ngày mà không thể làm gì được. Khi con họ ra đi... có người phát điên, nhưng cũng có người biết chấp nhận và vượt qua số phận... Tấm gương đó có thể giúp những người đang đối mặt không còn cảm thấy không đơn độc, mà bên cạnh họ luôn có những người đồng hành để chia sẻ với nỗi đau, những mất mát và những điều không may trong cuộc sống... Đó cũng là một ý nghĩa lớn lao mà chương trình muốn hướng tới tất cả mọi người.
Chị có thể chia sẻ một vài câu chuyện trong chương trình gần đây nhất mà chị đã và đang thực hiện?
Lần gần đây nhất, tôi thực hiện chương trình về một cô bé bị bệnh xương thủy tinh, chương trình có tên "Giấc mơ thủy tinh". Mặc dù cô bé khuyết tật, vô cùng khó khăn trong cuộc sống, gia đình cũng rất buồn khi con họ không may mắc phải căn bệnh nan y. Thế nhưng, cô bé ấy không những vượt qua được số phận, vượt qua căn bệnh mà còn vươn lên làm việc, kiếm tiền và tạo được công ăn việc làm cho rất nhiều người. Đó là một điều tuyệt vời mà không phải ai cũng làm được. Nhưng tôi tin rằng, khi chương trình đến với khán giả, nó sẽ là một liều thuốc rất quý đối với những người bị tật nguyền, những người bị bệnh nan y và với cả những người thân của họ.
Hay một bệnh nhân phổi mãn tính, họ phải chung sống với căn bệnh từ lúc sinh ra, họ gần như không thở được phải thở bằng bình ôxy, nhưng họ kiên quyết không dùng bởi dường như không còn tin vào sự sống. Thế nhưng khi đến bác sĩ, được sự chăm sóc và khuyên bảo, dần dần họ tập không thở bình ôxy... thế rồi, cùng với những lời an ủi động viên từ nhiều người, họ cảm thấy cuộc sống tốt lên và đã dần trở về với cuộc sống bình thường.
Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước