Sang châu Âu làm phim về Bác Hồ

Yến Trần-Thứ hai, ngày 19/05/2014 17:12 GMT+7

Những thông tin, tư liệu quý trong 5 tập phim Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè do đạo diễn Bùi Tuấn, Trung tâm PTL & Phóng sự - Đài THVN vừa thực hiện tại các nước châu Âu phản ánh những tình cảm quý mến mà bạn bè quốc tế dành cho Người.

Hành trình tìm kiếm tư liệu

Để thực hiện bộ phim Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè, đạo diễn Bùi Tuấn cùng các đồng nghiệp đã tới Nga, Pháp, Đức để tìm hiểu, khai thác những tư liệu về quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều thời kì khác nhau.

Trong hành trình tìm kiếm tư liệu, đoàn làm phim đã gặp Jürgen Eike - đạo diễn phim tài liệu; nhà báo - nhà văn Hellmut Kapfenberger; phóng viên ảnh Thomas Billhardt, Thomas Lehmann; nhà điêu khắc, họa sĩ Gerhard Rommel... Họ là những người luôn mến mộ Hồ Chủ tịch và vẫn còn lưu giữ một số tư liệu quý về Người.

Đoàn làm phim cũng đã gặp một số nhà nghiên cứu, quan tâm đến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh như: GS.TS Wilfried Lulei - Nhà sử học cũng là nhà Việt Nam học, hiện là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hội Đức – Việt, người từng hai lần gặp gỡ Bác Hồ; Thạc sĩ Axel Friedrich, nhà Việt Nam học, đồng tác giả tiểu luận “Ho Chi Minh und Deutschland”; GS. TS. Martin Grossheim - Nhà Việt Nam học tại Đại học Passau; TS. Hans - Georg Schleicher, nguyên Đại sứ CHDC Đức tại Việt Nam; Bà Ruth Rehmet, giáo viên Trường Käthe – Kollwitz - Heim tại Moritzburg những năm 1956 - 1959, người đã kiên quyết đấu tranh giữ lại được tấm bia kỉ niệm sự kiện Bác Hồ về thăm trường ngày 29/7/1957.

‘ Ngoài ra, đoàn làm phim cũng đã đến làm việc và tham khảo tư liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một số cơ quan của Đức như: Cơ quan lưu trữ phim tài liệu của Hãng DEFA, Cơ quan lưu trữ các tư liệu của vô tuyến truyền hình và phát thanh CHDC Đức (cũ)...

Những hồi ức bây giờ mới kể

Từ câu chuyện về 150 em thiếu nhi Việt Nam được đưa sang Đức đào tạo nửa thế kỉ trước, đoàn làm phim Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè đã tìm gặp cô giáo Ruth Rehmet.

Theo câu chuyện của bà giáo già, đoàn làm phim được biết, lúc ấy nước Đức vừa ra khỏi Đại chiến thế giới lần thứ 2, vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cả nước Đức phải duy trì chế độ tem phiếu, nhưng xuất phát từ tình cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam, các học sinh khi ấy đã được hưởng một chế độ chăm sóc đặc biệt và học tập trong điều kiện tốt nhất.

Tạm biệt Moritzburg, đoàn làm phim đã tới gặp nhà báo Hellmut Kapfenberger, cựu phóng viên của Hãng thông tấn ADN (trước đây). Ông chính là tác giả nhiều bài viết về Việt Nam và Bác Hồ. Cuốn Biên niên sử Hồ Chí Minh của ông từng được NXB Neues Leben ấn hành năm 2009 nhân 40 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào dịp kỉ niệm lần thứ 120 sinh nhật của Người.

Hiện ông sống tại một căn hộ nhỏ tại quận Pankow, Berlin. Trong căn hộ nhỏ ấy, ông còn lưu giữ rất nhiều sách, báo và kỉ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam. Trong số những kỉ vật đó có bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh của Gerhard Rommel, một nhà điêu khắc nổi tiếng tại Đức.

‘ Rời nước Đức, đoàn làm phim sang Pháp tìm gặp nữ anh hùng Raymonde Dien. Trong ngôi nhà nhỏ ở miền Trung nước Pháp, người phụ nữ từng lấy thân mình chắn đoàn tàu chở vũ khí năm 1950 đã chia sẻ ấn tượng đặc biệt về lần được gặp Bác Hồ:

"Vào một buổi sáng trong lần tham dự Đại hội thanh niên đó, chúng tôi đã được mời đến nhà chủ tịch HCM ở Hà Nội. Đó là một niềm vui lớn xen lẫn nhiều cảm xúc khi được gặp Bác Hồ. Chúng tôi hết sức ấn tượng và cảm thấy rất tự hào. Bác mặc bộ quần áo màu be, đôi dép giản dị... tiến về phía chúng tôi tươi cười, ôm hôn và gọi chúng tôi là con".

Một trong những nhân vật đặc biệt khác mà đoàn làm phim đã gặp trên nước Đức là nhà văn, nhà báo Franz Faber. Ông hồi tưởng lại: "Lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên nhà sàn Phủ Chủ tịch, tôi nhận thấy ông là người có chừng mực, thông minh và luôn thông cảm cho những người làm báo của chúng tôi... Người đã tặng tôi cuốn Truyện Kiều với lời khích lệ: "Muốn hiểu văn học Việt Nam, trước hết nên đọc Truyện Kiều".

‘ Chính lời khích lệ đó của Bác Hồ đã thôi thúc ông bà Faber tự học tiếng Việt. Đến năm 1964, ông bà hoàn thành bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức. Cho đến nay, tác phẩm đã được tái bản nhiều lần tại Đức với hàng vạn bản in.

Với tình cảm quý mến sâu sắc, vợ chồng ông Franz còn dành hẳn một căn phòng lớn ở khu phố Pankow (Berlin) để trưng bày tất cả những gì gợi nhớ đến Việt Nam, đến Bác Hồ - một người ông vô cùng ngưỡng mộ.

Chuyện về những người con đỡ đầu của Bác Hồ

Trong số các nhân vật mà bộ phim Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè đề cập không thể không kể đến ba người con đỡ đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một trong ba người con đó là Elizabeth, con gái ông Raymon Aubrac - nhân vật tiêu biểu tại Pháp trong những năm tháng chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến bệnh viện để đón chào sự ra đời cô con gái đỡ đầu. Sinh thời, hàng năm, Người đều viết thư và gửi quà cho Elizabeth.

Trong hồi kí của ông Raymon có đoạn viết: “Đấy là lần cuối cùng tôi được gặp Người. Trông bề ngoài, Người mệt mỏi nhưng vẫn rất minh mẫn. Người bước vào phòng, lấy ra một gói nhỏ đưa cho tôi và bảo: Đây là tấm lụa để Babét (tên thân mật của Elizabeth) may áo cưới! Rồi Người ôm hôn tôi rất chặt và nhờ tôi hôn dùm Babét. Trong những giây phút ấy, lòng tôi xiết bao cảm động vì Người vẫn dành những tình cảm vô cùng thắm thiết cho chúng tôi. Người chăm sóc Babét thật tận tình và tỏ ý tiếc sẽ không được dự đám cưới của nó…".

‘ Hai người con đỡ đầu khác của Bác Hồ là Knuth Wolfgang Walther Hartmann (Người Đức) và Irina Đimitơriepna Đênia (người Nga). Trong những ngày ở châu Âu, dù đã cố gắng nhưng rất tiếc đoàn làm phim không tìm được họ. Tuy nhiên, qua lời kể của nhiều người, khán giả sẽ cảm nhận rõ sự chân tình, thắm thiết của những người con đặc biệt này với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua nhiều biến động của thời cuộc, nhưng ở nhiều phương trời xa xôi vẫn luôn có những tình cảm thiêng liêng và nồng ấm hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng về Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước