Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối thoại tháo, gỡ khó cho doanh nghiệp

Thuý Hằng - Nguyễn Phương-Thứ ba, ngày 28/06/2022 06:32 GMT+7

VTV.vn - Sáng 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị về tình hình và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm.

Hội nghị nhằm lắng nghe các ý kiến góp ý từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Có khoảng gần 20 đại diện các Hiêp hội trên toàn quốc đã nêu ra những khó khăn, bất cập những kiến nghị về tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian qua và mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra được những giải pháp chính sách tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Theo các Hiệp hội, năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Như vây, chi phí logistics đã và đang là "gánh nặng" trên vai các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng này còn có thể nặng nề hơn trong năm nay.

Đại diện Hiệp hội Logistic Việt Nam (VLA) cho rằng, giá xăng dầu rất quan trọng. Toàn bộ hàng hoá nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận tải tăng lên và tác động tới toàn bộ giá hàng hoá cung cấp ra thị trường. Hiện, nay giá cả đang tăng lên cả trong nước và quốc tế., do vậy, việc làm việc với các hãng tàu về vấn đề giá là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tính đến phát triển dịch vụ hậu cần, kho bãi tại cảng, trung tâm của các thị trường lớn chủ lực cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối thoại tháo, gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Hiện chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Đơn cử như chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng hơn 400 triệu đồng. Mỗi một tháng, một doanh nghiệp cấp trung xuất khoảng 10 -1 5 container đi Mỹ, chưa nói đến các thị trường khác, chuyển khoản toàn 10 - 20 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẵn sàng tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

"Tất cả các ngành hàng, doanh nghiệp cần bất cứ gì chuyển xuống chúng tôi sẽ và sẵn sàng hỗ trợ ở mức tối đa nhất làm sao nâng cao được năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các nền tảng số và công nghệ số", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối thoại tháo, gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh những khó khăn liên quan đến giá cả nguyên vật liệu, hàng tồn kho tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng, theo nhiều doanh nghiệp, họ còn đang đối mặt với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7 tới, người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng gây sức ép đòi tăng lương, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, trong khi chính sách tín dụng chưa thực sự hiệu quả.

"Các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành điện tử, hầu như tôi chưa thấy có một doanh nghiệp nào được hưởng những chính sách tín dụng mà áp dụng cho các doanh nghiệp hậu COVID-19. Chúng tôi rất mong những chính sách đưa vào phải thực tế và doanh nghiệp phải áp dụng được. Còn đến nay hầu hết tất cả các doanh nghiệp khi mà muốn tiếp cận tín dụng gần như không thể”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối thoại tháo, gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

Trong khi đó, theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn chưa thể khẳng định được nhiều.

Bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Theo đó, tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá bông đã tăng 19%, cùng với đó giá xăng, dầu cũng tăng mạnh khiến doanh nghiệp dệt may đứng trước những khó khăn.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ các ý kiến đa chiều tại hội nghị, Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm, để đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước