Bức tranh kinh tế quý IV/2020: Nhiều tín hiệu lạc quan

VTV Digital-Thứ năm, ngày 29/10/2020 06:08 GMT+7

VTV.vn - 348 doanh nghiệp niêm yết đã phục hồi quý thứ hai liên tiếp. Lợi nhuận của doanh nghiệp phi tài chính thậm chí tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ.

Báo cáo mới đây của FiinGroup, công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu về hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết cho biết, tăng trưởng lợi nhuận của 348 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, không tính nhóm tài chính đã phục hồi quý thứ hai liên tiếp. Lợi nhuận của doanh nghiệp phi tài chính thậm chí tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng trưởng giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp này đã có sự cải thiện.

Trong đó, ngành bản lẻ chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ khi doanh thu quý 3 cao gấp 7 lần so với quý 2, lợi nhuận tăng 30% so với cùng kỳ. Riêng tại TPHCM, trong tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có nhiều khởi sắc, đạt hơn 600 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,4% doanh thu toàn ngành. Dự báo, con số này sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm khi người tiêu dùng ngày càng lạc quan hơn.

Thị trường bán lẻ cải thiện nhờ sự lạc quan của người tiêu dùng

Vài tháng gần đây, khi làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 được kiểm soát tốt, thị trường bán lẻ đã có những dấu hiệu cải thiện. Mặc dù người tiêu dùng tiếp tục ở nhà nhiều hơn, lựa chọn kỹ hơn các điểm đến, duy trì lối sống lành mạnh và duy trì kết nối online nhưng đã bắt đầu mua sắm nhiều trở lại.

Bức tranh kinh tế quý IV/2020: Nhiều tín hiệu lạc quan - Ảnh 1.

Thay vì thắt chặt chi tiêu như đợt giãn cách, khi mức thu nhập của gia đình tăng trở lại, nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền nhiều hơn khi dành 60-70% thu nhập cho các hoạt động ăn uống, mua sắm vật dụng, chăm sóc sức khoẻ.

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, tiêu dùng trong nước có sự hồi phục nhanh nhờ người tiêu dùng lạc quan về chống dịch. 55% người tiêu dùng Việt cho rằng kinh tế sẽ tốt hơn, trong khi các nước trong khu vực tỉ lệ này chỉ 45%. Do đó, họ cũng có những kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho những tháng cuối năm.

Báo cáo của CBRE Việt Nam, bán lẻ và tiêu dùng là nhóm dịch vụ có tốc độ phục hồi nhanh nhất với doanh thu chiếm hơn 76% toàn ngành. Doanh thu mua sắm trực tiếp giảm nhưng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tăng mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc các nhà bán lẻ nước ngoài tiếp tục xuất hiện và mở rộng đầu tư trong thời điểm này cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn trong khu vực, dự đoán sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồi phục đơn hàng

Bức tranh kinh tế quý IV/2020: Nhiều tín hiệu lạc quan - Ảnh 2.

Không chỉ trong ngành bán lẻ đón nhận những tín hiệu tích cực, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 34.600 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 133.600 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, vốn bị dừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng thì nay đơn hàng đang quay dần trở lại.

Theo một số doanh nghiệp, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã đặt hàng trở lại và nhờ vậy tình hình kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thậm chí, những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch tuyển dụng thêm công nhân để đẩy mạnh sản xuất.

Với một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, dù dịch COVID-19 chưa giảm nhưng với lợi ích từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp dự báo kết quả kinh doanh cuối năm sẽ tăng khoảng 10% do sức mua tăng và thị phần mở rộng.

Bức tranh kinh tế quý IV/2020: Nhiều tín hiệu lạc quan - Ảnh 3.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đánh giá nhìn trên bức tranh chung, tình hình kinh doanh quý IV của doanh nghiệp sẽ có khởi sắc hơn so với các quý trước, do cầu thị trường tăng, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nhận định: "Nhìn chung những doanh nghiệp có vị thế và vị trí dẫn dắt có cơ hội phục hồi tốt. Áp lực cũng như yêu cầu tái cấu trúc của doanh nghiệp trên toàn diện: tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tái cấu trúc sản phẩm dịch vụ và cả thị trường".

Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, đã có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, điều này cho thấy khả năng phục hồi tốt của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ nhanh hay chậm ra sao còn phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp và tính hiệu quả của các giải pháp từ chính sách.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về triển vọng kinh doanh quý 4 cho thấy có tới 81% doanh nghiệp cho rằng xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên và ổn định hơn. Ngoài ra, hiện dư địa giải ngân đầu tư công vẫn còn rất lớn, theo tính toán, đầu tư công tăng 1% sẽ đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Vốn đầu tư công sẽ chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác. Những điều này cho thấy, kinh tế quý IV đang có nhiều dư địa tăng trưởng.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020

VTV.vn - Dù tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, song Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế sở hữu tốc độ tăng trưởng dương.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước