Kinh tế Việt Nam 2013 đi qua vùng tối
Kinh tế Việt Nam 2013 được ví như “đoàn tàu băng qua vùng tối”, vùng thử thách lòng can đảm và sức chịu đựng của doanh nghiệp, của người dân và cả nhà quản lý. Đến thời điểm này, có lĩnh vực đã được lộ sáng, có lĩnh vực vẫn đang còn rất khó khăn. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nơi có nhiều vấn đề bất cập, cần giải quyết nhất.
‘ Chính sách hỗ trợ lãi suất thu mua lúa gạo - chính sách rất nhân văn của Đảng và Chính phủ nhằm nâng cao đời sống người trồng lúa, nhưng lợi nhuận lại rơi vào túi của một số khâu trung gian.
Những người nông dân bỏ ruộng đã trở thành sự đáng lo ngại của nền kinh tế trong năm qua, còn những người chăn nuôi thì xoay sở và rồi bế tắc trong cái vòng luẩn quẩn.
Người chăn nuôi trong vòng luẩn quẩn
Phải thừa nhận, chính sách bình ổn giá đã có tác động rất tốt trong công cuộc giảm giá sản phẩm, kìm chế chỉ số lạm phát, tuy nhiên nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp lợi dụng, một tay móc tiền của Nhà nước, một tay bóp nặn túi của người nông dân - đối tượng nghèo nhất, dễ tổn thương nhất trong xã hội.
Theo số liệu thống kê của Oxfam, một trong những tổ chức quốc tế hàng đầu hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn thì thu nhập của nông dân Việt Nam đã giảm 7 lần, trong vòng 5 năm (từ 2006 đến 2010).
‘ Ai là đối tượng được quan tâm hàng đầu trong các chính sách hỗ trợ, ai là người được nhắc đến nhiều nhất trong các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Nông Dân .
Lĩnh vực nào được ưu tiên phát triển nhất, lĩnh vực nào được những người đứng đầu đất nước chú trọng tháo gỡ khó khăn nhiều nhất: Nông nghiệp, nông thôn. Vậy tại sao người nông dân của chúng ta vẫn nghèo đi, tại sao nông nghiệp chưa bứt phá...?
Một năm nặng nề đối với nhiều doanh nghiệp
Năm qua cũng là một năm nặng nề đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhưng có không ít điểm sáng. 61.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, nhưng lại có thêm 71.000 doanh nghiệp thành lập mới. Xuất khẩu năm nay đạt khá, 132 tỷ USD, tuy nhiên nếu như nhìn sâu vào bức tranh xuất khẩu thì cũng có nhiều điểm đáng lo.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử thì doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 1%. Trên thực tế doanh nghiệp FDI đã mang tới hàng triệu việc làm cho người dân Việt, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên nếu như cứ tiếp tục thế này thì doanh nghiệp Việt Nam mất chỗ dứng ngay cả trên mảnh đất của mình, đó là điểm đáng lo ngại.
Mỗi năm qua đi, đây chính là lúc chúng ta nhìn lại những sự kiện đã qua để tìm ra bài học kinh nghiệm để vững vàng bước tiếp, chỉ có khi nhìn thẳng vào những tồn tại, sẵn sàng đối đầu giải quyết vấn đề thì chúng ta mới có thể thành công. Đối đầu để giải quyết là kinh nghiệm thành công của ngành ngân hàng trong năm qua, một năm thành công lớn của ngành được coi là mạch máu của nền kinh tế.
Ngân hàng - một năm thành công trong khó khăn
Trên thực tế, giảm lãi suất chỉ còn một nửa mới là bàn thắng ngoạn mục nhất của ngành ngân hàng trong năm qua, bởi lẽ chính nó là yếu tố mang lại cơ hội hồi sinh cho nền kinh tế. Thu ngân sách cũng là điểm sáng của nền kinh tế khi mà mọi dự báo trước đó đều cho thấy hụt thu rất lớn và 2013 có thể trở thành năm đầu tiên vỡ kế hoạch thu, tuy nhiên mục tiêu được hoàn thành vào ngày cuối của năm là sự thoát hiểm đáng khâm phục.
‘ Một đường lối nhất quán, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, một sự dũng cảm đối đầu với những lời chỉ trích... đó là những thái độ và hành động của Chính phủ trong năm qua. Sự nhất quán và dũng cảm ấy đã cho kết quả, con ngựa lạm phát được ghìm cương, chỉ số lạm phát thấp nhất trong 10 năm. Những nỗ lực này đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Chuyên gia quốc tế: Kinh tế Việt Nam ổn định
Các nhà phân tích quốc tế đánh giá rất cao những kết quả của nền kinh tế trong năm qua, tuy nhiên, với người đứng đầu Chính phủ thì những khó khăn ở phía trước không thể coi thường.
‘ Nguồn ảnh: Internet
Trong bài phát biểu đầu năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại, xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.