Chật vật tìm nhà đầu tư chiến lược trong cổ phần hóa

Đức Chung - Quang Hải (Trung tâm Tin Tức VTV24)-Thứ ba, ngày 07/08/2018 09:57 GMT+7

VTV.vn - “Ông lớn” vận tải biển của Việt Nam là Tổng công ty hàng hải (Vinalines) sẽ được cổ phần hóa vào tháng 9 nhưng hiện vẫn không tìm được nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần.

Phương án cổ phần hóa của Vinalines đã phải thay đổi. Từ trước tới nay, nhà đầu tư chiến lược vẫn được xem là một đòn bẩy quan trọng khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bởi các nhà đầu tư chiến lược thường được kỳ vọng sẽ giúp "thay máu" cho doanh nghiệp không chỉ về tài chính mà còn là quy trình quản lý, nâng cao hiệu suất kinh doanh. Vắng bóng nhà đầu tư chiến lược cũng đồng nghĩa với việc công cuộc cổ phần hóa đối mặt với không ít thách thức về tiến độ và chất lượng.

Chỉ duy nhất một nhà đầu tư Hàn Quốc đăng ký để trở thành cổ đông chiến lược của Vinalines nhưng vì không có phương án kinh doanh phù hợp, công ty này đã không đủ điều kiện tham gia. Bộ GTVT vì thế đã quyết định chuyển 14,8% số cổ phần đáng lẽ dành cho nhà đầu tư chiến lược sang bán đấu giá công khai ra công chúng, nâng tỷ lệ cổ phần IPO lên 34,8%. Như vậy, thay vì bán một phần vốn cho một nhà đầu tư được lựa chọn với nhiều tiêu chí khắt khe thì hiện cổ phần của Vinalines được ví von là sẽ chào bán giữa "chợ".

Theo đại diện Vinalines, không tìm được nhà đầu tư chiến lược, cuộc bán vốn ra thị trường lần này sẽ phải chờ cơ hội từ những nhà đầu tư khác sẵn sàng mua lượng vốn lớn để có thể giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh.

Bán mà không tìm được người mua phù hợp là một nhẽ nhưng lại có trường hợp đã bán được nhưng người mua "bỏ cuộc chơi giữa chừng" như tại Bệnh viện GTVT - một trong những điểm sáng về cổ phần hóa vài năm trước. Nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn T&T đã kiến nghị Chính phủ cho phép bán lại toàn bộ vốn trả về cho Nhà nước bởi đã có những thay đổi trong phương án cổ phần hóa so với trước đây.

Nhà đầu tư chiến lược thường được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thay đổi cách thức quản trị để phát triển ngành nghề chính. Trong một số trường hợp, nếu không tìm được người mua vốn lớn, Nhà nước cũng cần tính đến các phương án để đảm bảo hiệu quả sau cổ phần hóa.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nói: "Nhà nước có thể xem xét một vài cổ đông nào đó có thể kết hợp với nhau và xem đó là một cổ đông chiến lược nhằm giúp doanh nghiệp phát triển đúng theo ngành nghề kinh doanh chính".

Cũng theo các chuyên gia, với một vài trường hợp đặc thù, khi doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan, khó hấp dẫn các nhà đầu tư, Nhà nước cũng có thể xem xét điều chỉnh tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp để không ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng cổ phần hoá.

Duyệt phương án cổ phần hóa Vinalines, giá IPO 10.000 đồng/cổ phiếu Duyệt phương án cổ phần hóa Vinalines, giá IPO 10.000 đồng/cổ phiếu

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Quyết định số 751.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước