Đẩy mạnh cải cách, Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn

Thái Bảo (TCKD)-Thứ năm, ngày 04/12/2014 10:37 GMT+7

Nhận định này được Ngân hàng Thế giới World Bank đưa ra tại báo cáo cập nhật tình hình kinh tế thường niên ngày 3/12.

Kinh tế Việt Nam đang tích cực phục hồi, tăng trưởng được dự báo sẽ cải thiện từ mức 5,4% năm 2013 lên 5,6% trong năm nay. World Bank cho rằng, tăng trưởng đã có thể cao hơn hiện nay nếu như cải cách được đẩy mạnh hơn.

Tình hình kinh tế tốt hơn dự báo được WB phân tích là do tất cả các lĩnh vực (trừ dịch vụ) đều tăng trưởng cao hơn năm ngoái, nhất là các ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng... đều chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục so với cùng kỳ.

Báo cáo cho thấy, trong đà phục hồi kinh tế chung thì hiệu quả hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là động lực quan trọng. Tuy nhiên WB cũng nhấn mạnh, việc cải thiện chất lượng khu vực kinh tế tư nhân, trong bối cảnh số donh nghiệp phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động gia tăng.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Không có một quốc gia thành công nào chỉ phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần có khu vực kinh tế tư nhân mạnh trong nước, song song cùng tồn tại với khối FDI, vấn đề là cần tạo sân chơi công bằng để cho khu vực tư nhân được hưởng lợi tương xứng từ chính sách phát triển”.

Đề cập đến lĩnh vực đầu tư công, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Lĩnh vực đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, tổng đầu tư công đã giảm xuống dưới 7% GDP, chứng tỏ Chính phủ đã nghiêm túc trong tái cơ cấu đầu tư công. Thay vì tăng số dự án, Chính phủ đã tập trung hoàn thành những dự án hiện có, tuy nhiên không tránh khỏi sự trùng lắp trong các dự án đầu tư công ở các tỉnh. Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, có đường cao tốc, việc sắp xếp lại thứ tự ưu tiên các dự án vì thế rất quan trọng. Việt Nam nên chọn cách tiếp cận dài hạn: chấp nhận làm ít hơn nhưng hiệu quả hơn.

Bản báo cáo nhận định: Tiến độ cải cách khu vực DNNN vẫn tiếp tục chậm hơn so với chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu của Chính phủ là năm nay sẽ cổ phần hóa khoảng 200 DN, tuy nhiên đến thời điểm này mới có 71 DN được cổ phần hóa như vậy rõ ràng về con số là Việt Nam chưa hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cũng theo bà Victoria Kwakwa, con số cổ phần hóa được bao nhiêu doanh nghiệp không phải là thước đo duy nhất đánh giá sự thành công trong tiến trình cải cách DNNN của Chính phủ, mà là cổ phần hóa như thế nào mới là quan trọng để cải thiện hơn nữa thị trường chứng khoán và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

World Bank cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã rất rõ ràng về cải cách khu vực DNNN nhưng mấu chốt là phải đảm bảo thực hiện một cách nhất quán hơn để tạo ra sân chơi bình đẳng giữa DNNN với các khối doanh nghiệp khác.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước