Hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 04/07/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Dòng vốn tín dụng đang hướng mạnh vào sản xuất kinh doanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Tín dụng tăng trưởng cao

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn thì bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm nay đã có nhiều gam màu sáng. Có được kết quả này, một phần quan trọng là nhờ các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng, cùng với sự chủ động, nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến ngày 20/6 đạt 8,51% - cao gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói mức tăng ấn tượng của tín dụng song hành với đà tăng của hàng loạt chỉ số về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ, dịch vụ... là những chỉ báo cho thấy dòng vốn tín dụng đang hướng mạnh vào sản xuất kinh doanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến ngày 20/6 đạt 8,51% - cao gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.

27 năm làm may mặc, chưa khi nào chị Hương (Hà Nội) cảm nhận rõ những thăng trầm trong kinh doanh như hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua. Có nhiều thứ lần đầu tiên chị làm quen từ bán hàng qua livestream, chắt chiu từng đơn hàng lẻ thay vì đổ buôn như trước và cũng hiểu rõ giá trị của từng đồng vốn để trụ lại trên thương trường.

"Với lãi suất của ngân hàng hiện nay, tôi nghĩ với những người kinh doanh có tiềm năng và thực lực họ vẫn chấp nhận", chị Hương chia sẻ.

Còn với những doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... nhu cầu vay vốn mỗi năm lên tới cả trăm tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, tín dụng từ đầu năm nay của nhóm khách hàng này có thời điểm đã tăng tới hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trên địa bàn.

"Về mặt lãi suất đối với khoản vay của chúng tôi tương đối ổn định, không tạo ra khó khăn về biến động lãi suất cho công ty", ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh cho hay.

Tín dụng tăng trưởng nhanh trong khi thanh khoản chứng khoán bình quân trên mỗi phiên hiện dao động khoảng 13.000 tỷ, giảm gần một nửa so với năm ngoái, cho thấy dòng vốn vào những lĩnh vực rủi ro đã thắt lại.

Hiện nhiều ngân hàng đã được giao kế hoạch vốn và bắt đầu triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp quan tâm là tiến độ cần phải đẩy nhanh hơn, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu rất nhiều sức ép giá cả cần được chia sẻ kịp thời.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

Thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đúng thời điểm đã xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.

Ngay những ngày đầu năm, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua gói kích cầu phục hồi và phát triển kinh tế có giá trị gần 350 nghìn tỷ đồng. Đây là năm giảm thuế mạnh nhất từ trước đến nay như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 2% cho một số hàng hóa, dịch vụ, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm 37 khoản phí, lệ phí đã góp phần giảm áp lực tăng giá.

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: "Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan để trình Chính phủ ban hành 6 nghị định và nhiều quyết định, thông tư để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho quá trình phát triển. Thực hiện giảm thuế cho các doanh nghiệp khoảng 135 nghìn tỷ trong năm 2022. Cắt giảm chi tiêu như giảm 50% công tác phí, giảm 10% chi thường xuyên".

"Dùng tài khóa hỗ trợ cho lãi suất nhằm tạo ra cung tiền tệ qua thị trường tín dụng với lãi suất ưu đãi. Đồng thời việc phối hợp giữa ngân hàng với tăng vốn đầu tư công để hút lượng tiền trong lưu thông đã giúp tăng vốn đầu tư công nhưng lượng tiền không tăng quá nhiều", ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết.

Hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh - Ảnh 2.

GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 370 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Mặc dù thị trường Việt Nam tương đối mở, có những giai đoạn, một số mặt hàng như thực phẩm, năng lượng tại nhiều nước trên thế giới gặp phải khủng hoảng về nguồn cung nhưng trong nước, hàng hóa luôn được bảo đảm.

GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 370 tỷ USD, cán cân thương mại vẫn duy trì xuất siêu, vốn đầu tư FDI thực hiện đạt mức cao nhất 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng liên tục và đang ở mức cao nhưng giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Điều này cho thấy những nỗ lực trong công tác điều hành thị trường, linh hoạt và quyết liệt từ các bộ ngành và Chính phủ.

Nhiều giải pháp đồng bộ của Chính phủ đã phát huy tích cực khi GDP quý II tăng tới 7,72%, cao nhất so với cùng kỳ của 10 năm gần đây.

Đặc biệt, trong khi lạm phát của thế giới tăng cao nhưng lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 2,44%. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi tốt, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.

PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: "Khi giá cả lên Chính phủ đã cố gắng cùng với Quốc hội có những giải pháp để kiềm chế tốc độ tăng lạm phát bởi nhiều yếu tố tăng lạm phát ở Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài. Việt Nam giữ được mạch không để bị đứt chuỗi với thế giới, mà đầu vào tăng lên ta vẫn giữ được lạm phát đấy là một thành công".

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ phương án giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp để góp phần giảm giá xăng dầu. Mặt khác, tiếp tục phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo động lưc mới cho phục hồi kinh tế.

Việt Nam - Điểm sáng phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh Việt Nam - Điểm sáng phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh

VTV.vn - Kinh tế Việt Nam đang phục hồi với tốc độ nhanh chóng khi các hoạt động kinh doanh đã sôi nổi trở lại sau đại dịch COVID-19.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước