Liên kết - "Đòn bẩy" phát triển công nghiệp chế biến vùng ĐBSCL

Quốc Thới-Thứ bảy, ngày 26/10/2013 16:08 GMT+7

 Làm thế nào để phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề đang đặt ra đối với những nhà quản lý và cả doanh nghiệp tham gia thị trường.

Thủy sản, lúa gạo và trái cây là nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp chế biến của vùng ĐBSCL. Nhưng thời gian qua, điệp khúc “thừa hàng, dội chợ”, “được mùa, mất giá” lại trở nên khá quen thuộc nơi đây.

Nguyên nhân do người dân sản xuất tự phát nên sản lượng dư thừa, chất lượng lại chưa cao. Doanh nghiệp chưa có sự liên kết để bảo vệ sản phẩm. Đơn cử như cá tra, một mặt hàng độc quyền của Việt Nam, nhưng mỗi kg cá tra phi lê chỉ bán được trên dưới 3 USD, trong khi tại các siêu thị nước ngoài giá bán lại khoảng 10 USD.

‘ Liên kết DN và nông dân tạo điều kiện thuận lợi xây dựng thương hiệu đặc trưng của vùng


Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết: “Suốt thời gian dài, người nuôi cá lỗ, doanh nghiệp sản xuất lỗ, chỉ có những người mua ở nước ngoài có lời. Chúng ta chưa có thương hiệu nên chúng ta bán giá thấp để cạnh tranh và chúng ta tự đưa con cá chúng ta vào ngõ cụt”.

Từ thực tế đó, vài năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân, mang lại nhiều khởi sắc cho công nghiệp chế biến hàng nông sản. Đối với cá tra có các chuỗi liên kết dọc, liên kết ngang; còn đối với lúa gạo có mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình đầu tư vật liệu, bao tiêu đầu ra... Từ các chuỗi liên kết này đã tạo được tiếng nói chung giữa lực lượng sản xuất và nhà phân phối, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho rằng: "Mô hình ở ĐBSCL đang triển khai và rất thành công đó là chuỗi liên kết giá trị. Tôi nghĩ đây là mô hình có hiệu quả thiết thực. Do đó, các bộ ngành cũng như cơ chế chính sách làm thế nào để tác động, triển khai để các sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL theo chuỗi liên kết giá trị".

Để tăng hiệu quả của chuỗi liên kết, các ngành chức năng cần rà soát lại công tác quy hoạch. Qua đó sẽ phát hiện được thế mạnh của từng địa phương và của các doanh nghiệp có khả năng tổ chức sản xuất và tiêu thụ tốt hàng nông sản.

Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, góp phần phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực của vùng. Từ đó, mang lại thu nhập ổn định cho người dân và cả doanh nghiệp.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước