Liên kết vùng trong du lịch: Nếu chỉ là hình thức, liệu có cần làm?

Thùy Trang (VTV9)-Thứ hai, ngày 16/04/2018 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Trong tương lai, việc mất lợi thế cạnh tranh của du lịch TP.HCM là điều không tránh khỏi nếu ngay lúc này không có những thay đổi thực chất và quyết liệt hơn.

Năm 2017, du lịch TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với 6,5 triệu lượt khách quốc tế và 25 triệu khách nội địa đến TP. Nhưng những người làm trong ngành du lịch đều hiểu rõ, những con số này chưa nói lên điều gì.

Trung bình, 1 du khách đến TP.HCM sẽ ở lại trong 5 ngày. Nếu TP.HCM không liên kết với các vùng khác để tăng điểm đến hấp dẫn, du khách sẽ có 2 ngày nhàn rỗi ở đây.

Chưa kể, TP.HCM có tất cả các hình thức du lịch, từ ẩm thực, mua sắm, đường thủy, sinh thái đến du lịch kết hợp hội nghị. Thế nhưng, nhiều du khách vẫn không xác định được phải tiêu tiền ở đâu hoặc tệ hơn, không xác định ngày quay lại thành phố này.

Vì vậy, trong 1 tháng gần đây, hàng loạt hội thảo, diễn đàn bàn giải pháp tăng cường liên kết vùng giữa TP.HCM với các vùng lân cận đã liên tục được tổ chức.

Những điều đó cho thấy, ngành du lịch TP.HCM sốt ruột đến thế nào trong việc tìm một điểm tựa hay đúng hơn là tìm những đồng minh chắc chắn để cùng phát triển.

Thế nhưng, có một điều khá vô lý là ở các buổi hội thảo, hội nghị kêu gọi liên kết vùng, người ta luôn nghe thấy câu: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác" đến từ lãnh đạo sở các địa phương cho tới các doanh nghiệp. Ai cũng sẵn sàng hợp tác nhưng câu chuyện liên kết vùng trong du lịch đã nói cả chục năm nay và năm nào cũng nhắc lại vẫn chẳng thể đi đến đâu. Tại sao lại có hiện thực này?

Một điều đáng chú ý nữa tại Hội nghị sơ kết 4 năm chương trình liên kết tam giác TP.HCM - Lâm Đồng - Bình Thuận vừa diễn ra sáng 15/4, bản báo cáo của Ban tổ chức về hiệu quả hoạt động liên kết vùng đã không nêu được một con số cụ thể nào. Qua đó cho thấy thực tế tam giác này chưa làm được gì, dù liên kết đã hình thành gần 15 năm.

Có quá nhiều nút thắt cản trở liên kết vùng trong du lịch. Mà nút thắt to nhất, khó gỡ nhất chính là vai trò của quản lý Nhà nước. Vì vậy, những người làm du lịch đều đang chờ đợi một cơ chế đột phá, may ra mới giúp thúc đẩy liên kết vùng trong du lịch.

Trong bối cảnh đó, điều an ủi là người ta vẫn thấy các doanh nghiệp du lịch TP.HCM thể hiện được sự năng động, đúng với vai trò hạt nhân của vùng. Đã có khá nhiều sáng kiến để kích cầu du lịch và tăng liên kết vùng.

Ngày hội du lịch TP.HCM đang diễn ra tại công viên 23/9 là một ví dụ. Chỉ trong 4 ngày, sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hàng trăm công ty du lịch từ nhiều tỉnh thành, doanh số bán tour lên đến 100 tỷ đồng. Khoan hãy nói đến hiệu quả liên kết vùng, ít nhất, ở đây chúng ta thấy được sự nỗ lực để tự cứu mình của nhiều doanh nghiệp.

Ai cũng hiểu, câu chuyện liên kết vùng trong kinh tế nói chung, du lịch nói riêng là vấn đề của cả hệ thống và chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng lúc này, điều TP.HCM có thể làm là tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp, giải pháp phát triển liên kết vùng để bổ sung, chỉnh sửa trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030.

Trong câu chuyện còn dài và lắm mơ hồ này, ít nhất đã có một tin vui. Đó là tam giác TP.HCM - Lâm Đồng - Bình Thuận đã bước đầu tìm được hướng hành động thực tế cho mình.

Chúng ta chờ đến cuối năm nay để xem những kế hoạch này của tam giác này được triển khai đến đâu. Còn lúc này, nhiều người làm du lịch chọn cách cứ tin đi và tiếp tục cố gắng.

Tăng cường liên kết vùng - Biện pháp then chốt phát triển du lịch TP.HCM Tăng cường liên kết vùng - Biện pháp then chốt phát triển du lịch TP.HCM Du lịch TP.HCM tăng cường liên kết vùng để phát triển Du lịch TP.HCM tăng cường liên kết vùng để phát triển Hà Nội liên kết du lịch tạo nhiều sản phẩm mới phục vụ du khách Hà Nội liên kết du lịch tạo nhiều sản phẩm mới phục vụ du khách

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước