Mua giá cao, bán giá thấp, xuất khẩu điều vẫn lao đao

Duy Ly-Thứ hai, ngày 04/03/2013 15:13 GMT+7

Ảnh minh họa

Dù 7 năm liên tiếp giữ ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu nhưng ngành chế biến xuất khẩu điều Việt Nam vẫn chưa thể tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới do tình trạng tranh mua tranh bán.

Năm nay dự kiến sản lượng điều nhân trong nước cũng chỉ đạt khoảng 400 ngàn tấn, như vậy ngành điều sẽ phải tiếp tục nhập khẩu hơn 500 ngàn tấn từ các quốc gia khác. Hiện giá điều tươi trong nước đang được thu mua với giá khá cao. Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới giá nhập kho sẽ vào khoảng 27.000 đồng/kg. Hiệp hội điều Việt Nam đang lo ngại, với mức giá rất cao này, nếu một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không chấm dứt việc chào giá quá thấp, gây nhiễu loạn thị trường như đã xảy ra năm 2012, thì kịch bản thua lỗ sẽ tiếp tục tái diễn.

Theo báo cáo của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), giá điều thô trong nước hiện ở mức 23.500 đồng/kg, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nguồn nguyên liệu trong nước năm nay cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Số còn lại doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu từ các quốc gia khác. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2013, ngành điều đã nhập khẩu hơn 25 ngàn tấn điều thô với giá bình quân khoảng 958 USD/ tấn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu tính giá mua điều trong nước và giá điều nhập khẩu như hiện nay thì hợp đồng xuất khẩu hiện tại đã không có lãi.

Bà Nguyễn Thị Như, giám đốc công ty thu mua xuất khẩu nông sản Quỳnh Như cho biết: “Công ty chúng tôi mua nhập kho nhưng giờ giá xuất khẩu thấp nên lỗ”.

Đại diện công ty thu mua nông sản Hoàng Sơn cho biết, hiện số lượng tồn kho của các nhà rang xay thế giới rất ít, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Thế nhưng, thay vì vui mừng thì doanh nghiệp này đang lo lắng kịch bản thua lỗ của ngành điều niên vụ 2012 sẽ tái diễn. Nguyên do được đưa ra là với công suất chỉ khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi đó nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng được khoảng 50% vì vậy khi đến mùa vụ nhiều doanh nghiệp đã tranh mua tranh bán nguyên liệu bằng mọi giá.

Ông Tạ Quang Huyên, giám đốc công ty thu mua xuất khẩu nông sản Hoàng Sơn nói: “Không năm nào mua được giá thấp vì tranh nhau nên giá điều luôn bị đẩy lên kịch trần”.

Quá chán ngán với tình trạng trên bảo dưới không nghe, năm 2013, Vinacas quyết định không điều hành giá mua, giá bán mà để tự các doanh nghiệp lo liệu theo thị trường.

Vinacas chỉ đưa ra cảnh báo chung với các doanh nghiệp là không nên vội vàng chào bán giá thấp và hạn chế nhập điều thô dự trữ nhiều, tránh tình trạng như năm cũ mua hết nguyên liệu trong dân giá cao, nhưng sau đó giá xuất khẩu giảm mạnh, các doanh nghiệp trữ hàng không xoay chuyển được dẫn đến bị thua lỗ và bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng.

Trước các bất lợi về không chủ động được nguồn nguyên liệu, vốn yếu, tranh mua tranh bán của hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ đã khiến cho thị phần xuất khẩu điều nhân năm 2012 giảm sút do chất lượng không đảm bảo. Cụ thể thị trường tiêu thụ ở châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc giảm sút hơn 20%, Australia là thị trường tiêu thụ điều của Việt Nam rất lớn, nhưng nay cũng đã chuyển sang nhập khẩu điều từ Ấn Độ.

Dù hai tháng đầu năm ngành này vẫn có tín hiệu lạc quan khi ký được hợp đồng xuất khẩu 300 container điều nhân với giá tốt. Tổng kết tháng 1, kim ngạch xuất khẩu của hạt điều nhân đã đạt 105 triệu USD, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các con số này vẫn chưa đủ để có thể nhìn thấy một kịch bản rõ ràng cho xuất khẩu điều nhân 2013. Bức tranh tổng thể có thể nhìn thấy hiện nay chính là sự liên kết quá lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp, vai trò mờ nhạt của hiệp hội khiến nhiều người lo ngại cho vị trí xuất khẩu số 1 và tương lai không mấy tươi sáng của ngành chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam trong 2013 và các năm tới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước