Nhiều tranh cãi xung quanh việc nhập khẩu lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 18/10/2018 09:40 GMT+7

VTV.vn - Cỏ kế đồng là một loại thực vật cực kỳ nguy hiểm với ngành nông nghiệp. Mỗi cây có khả năng sản sinh 5.000 hạt, rất dễ phát tán ra môi trường.

Rễ của cỏ kế đồng còn có thể tự nảy mầm tạo cây mới nên việc cày xới gây đứt rễ lại càng khiến cỏ kế đồng phát tán nhanh và mạnh hơn.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, cỏ kế đồng đã xuất hiện tại 40 quốc gia, gây hại cho hơn 27 loại cây trồng. Chỉ tính riêng tại Mỹ, hàng năm loại cỏ này đã ngốn hàng trăm triệu USD tổn thất cho mùa màng, cộng thêm hàng chục triệu USD cho tiền thuốc hóa học phòng trừ nhưng vẫn không thể tiêu diệt được triệt để.

Nhiều tranh cãi xung quanh việc nhập khẩu lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng - Ảnh 1.

Cỏ kế đồng là một loại thực vật cực kỳ nguy hiểm với ngành nông nghiệp.

Điều đáng nói là một lượng lớn lúa mỳ bị nhiễm cỏ kế đồng đã được nhập khẩu vào Việt Nam. Lô hàng đầu tiên bị phát hiện vào ngày 8/5, có xuất xứ từ Nga. Theo tờ Lao động, mặc dù Cục Bảo vệ thực vật đã phát cảnh báo lập tức tới các đơn vị nhập khẩu nhưng các lô hàng lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng vẫn tiếp tục được nhập vào Việt Nam từ cả các quốc gia khác như Mỹ hay Canada. Tính đến ngày 10/10, 1,6 triệu tấn lúa mỳ bị nhiễm cỏ kế đồng được nhập vào nước ta.

Trước thực trạng trên, vào ngày 5/9, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản cho biết, từ ngày 1/11 sẽ áp dụng biện pháp tái xuất với các lô lúa mỳ bị nhiễm. Tuy nhiên, sau ngày 17/10, việc này đã thay đổi bởi theo các doanh nghiệp việc ban hành văn bản trước 2 tháng vẫn là quá gấp, khiến doanh nghiệp không kịp tìm nguồn hàng thay thế.

Nhiều tranh cãi xung quanh việc nhập khẩu lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng - Ảnh 2.

Lô hàng lúa mỳ đầu tiên bị phát hiện nhiễm cỏ kế đồng có xuất xứ từ Nga.

Tờ Người Lao Động cho biết, tại cuộc họp ngày 17/10, các doanh nghiệp đã đề xuất là nên cho phép tỉ lệ lẫn cỏ kế đồng thay vì quy định cấm tuyệt đối ví dụ như 0,5%. Những lô lúa mỳ bị nhiễm cũng được báo cáo là đã được giám sát tốt, không để phát tán ra bên ngoài, vì thế không cần thiết phải tái xuất, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và sản xuất.

Cục Bảo vệ thực vật không đồng tình với quan điểm trên. Cơ quan này không chấp nhận việc cho phép tỉ lệ % và chỉ cần xuất hiện một cá thể, nghĩa là một hạt cỏ kế đồng sẽ kết luận lô hàng bị nhiễm và phải áp dụng biện pháp xử lý. Việc tổ chức giám sát các lô lúa mỳ bị nhiễm cỏ kế đồng thời gian qua chỉ có tính chất "tình thế" để hỗ trợ doanh nghiệp. Cục đã phải huy động rất nhiều nhân lực để giám sát hàng từ cầu cảng về đến kho, sau đó giám sát cả khâu xay xát chế biến xong tại nhà máy. Tuy nhiên, Cục cũng nhất trí là sẽ tạm hoãn áp dụng biện pháp tái xuất với các lô hàng bị nhiễm nhưng khẳng định đây chỉ là "giải pháp tình huống" và khi nào có quy định mới Cục sẽ thông báo cho doanh nghiệp trước 1 tháng.

Dù còn nhiều tranh luận về việc xử lý thế nào với các lô hàng bị nhiễm cỏ kế đồng nhưng đây chắc chắn là vấn đề lợi ích lâu dài của quốc gia, ảnh hưởng đến sự sống còn của ngành nông nghiệp, không đơn thuần là lợi ích trước mắt của một số doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước