Thị trường vàng một năm mất giá mạnh

HNM-Thứ tư, ngày 01/01/2014 18:00 GMT+7

Mức giảm của giá vàng trong năm 2013 lên tới gần 12 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2013, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP HCM là 34,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 34,78 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, so với thời điểm này năm trước, giá kim loại quý đã “bay hơi” tới gần 12 triệu đồng/lượng (11,60 triệu đồng/lượng). Hay nói cách khách, nếu như thời điểm này năm trước những ai mua vàng thì sau đúng một năm, đã bị mất đi hơn chục triệu đồng mỗi lượng.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Giá kim loại quý thế giới đã giảm gần 30% trong năm 2013, là năm đầu tiên đi xuống trong hơn chục năm qua, trong đó việc Fed cắt giảm gói kích thích kinh tế có tác động không nhỏ đến sự xuống giá trên. Ngoài ra, sức hấp dẫn của kim loại quý này đối với người dân cũng bớt đi nhiều sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện một loạt biện pháp nhằm ổn định thị trường, mà không thể không kể đến là việc buộc ngân hàng thương mại chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, từ đó chống vàng hóa triệt để. Và để thực hiện việc này mà thị trường không bị xáo trộn, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu bán vàng miếng. Cụ thể, để tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp bình ổn thị trường vàng theo Nghị định 24, từ ngày 28/3/2013, NHNN tiến hành tổ chức đấu thầu bán vàng ra thị trường để các ngân hàng có đủ vàng tất toán trạng thái và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tính đến ngày 31/12, sau 76 phiên đấu thầu được tổ chức kể từ ngày 28/3/2013, đã có xấp xỉ 7 tấn vàng trúng thầu; trong số trên, có khoảng 30 tấn được các ngân hàng sử dụng để tất toán số dư huy động vàng, số còn lại, được các đơn vị trúng thầu bán ra thị trường. Lúc đầu, số lượng vàng chào bán là 26.000 lượng với 3 phiên/tuần, có phiên lên tới 40.000 lượng. Sau thời hạn tất toán trạng thái vàng của ngân hàng (30/6), do nhu cầu giảm, NHNN hạn chế cung vàng ra thị trường bằng cách giảm lượng dần lượng chào thầu và tần suất đấu thầu.

Song song với đó, NHNN cũng giám sát chặt chẽ tình hình các TCTD sử dụng vàng miếng mua từ các phiên đấu thầu, đảm bảo TCTD sử dụng vàng miếng đúng mục đích và tất toán số dư huy động vốn bằng vàng theo quy định của NHNN; theo dõi chặt chẽ việc TCTD tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng…

Chính vì vậy, khác biệt của thị trường vàng trong năm nay so với các năm trước là không còn xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng theo tâm lý đám đông. Thay vì giao dịch lên tới nghìn lượng mỗi ngày, các doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ yếu chỉ giao dịch được con số hàng trăm. Đặc biệt, trong tuần cuối năm, doanh nghiệp liên tục phải niêm yết biên độ mua-bán ở mức hẹp dưới 100.000 đồng nhằm kích thích giao dịch.

Cùng với các diễn biến trên, điểm qua thị trường vàng năm 2013 không thể không kể đến là việc lần đầu tiên trong lịch sử, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên mức kỷ lục là 7 triệu đồng/lượng. Đó là vào ngày 18/4, giá vàng nội đắt hơn thế giới tới 7 triệu đồng/lượng, sau đó là ngày 6-7, chênh lệch giá giữa hai thị trường lại lên xấp xỉ mức kỷ lục trên. Nguyên nhân được cho là giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh và sức cầu trong nước vẫn còn cao do các ngân hàng chưa tất toán xong trạng thái vàng. Tuy nhiên, đến ngày 30-6, sau khi hầu hết các ngân hàng đã hoàn thành tất toán trạng thái vàng, với 37 phiên đấu thầu được tổ chức và "ngót” 40 tấn vàng trúng thầu, chênh lệch giá vẫn ở mức hơn 4 triệu đồng mỗi lượng. Đến nay, chênh lệch giá là 4,2 triệu đồng/lương, co khoảng 500.000 đồng/lượng so với cuối năm 2012.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước