Vốn đầu tư starup Việt Nam xuống mức thấp nhất trong 2 năm

Chinh Vũ-Thứ năm, ngày 07/10/2021 11:09 GMT+7

VTV.vn - Nửa đầu năm 2021, các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam chỉ thu hút khoảng 130 triệu USD tiền đầu tư.

Giới khởi nghiệp tại Việt Nam vừa đón tin vui khi Sky Mavis - công ty khởi nghiệp sản xuất trò chơi ứng dụng công nghệ NFT - Axie Infinity vừa nhận được vòng vốn 152 triệu USD được một quỹ đầu tư từ Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thành công mang tính "hiện tượng" của Sky Mavis thì thị trường vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup của Việt Nam khá ảm đạm.

Theo dữ liệu mới công bố từ bộ phận nghiên cứu Cento Ventures, trong nửa đầu năm 2021, lượng vốn mạo hiểm vào Việt Nam đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Điều này cho thấy rõ tác động của đại dịch COVID-19.

Nửa đầu năm 2021, các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam chỉ thu hút khoảng 130 triệu USD tiền đầu tư. Chiếm 3% trong cơ cấu giá trị vốn của 6 nước Đông Nam Á được Cento Ventures nghiên cứu. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2019, khi Việt Nam có thời điểm chiếm hơn 30% tổng giá trị vốn.

Giới đầu tư cho rằng đợt bùng phát dịch thứ 4 từ đầu quý II đã gây ảnh hưởng lớn.

"Trong bối cảnh dịch, các startup tăng trưởng chậm lại, thậm chí là phải ngủ đông. Đa số các quỹ sẽ cẩn trọng hơn trong quá trình nghiên cứu đầu tư của mình. Các mô hình liên quan đến bán lẻ, tiêu dùng cá nhân bị ảnh hưởng nhiều", ông Võ Trần Đình Hiếu - Đồng sáng lập Quỹ VIISA cho hay.

Vốn đầu tư starup Việt Nam xuống mức thấp nhất trong 2 năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn - Dân trí.

Theo nghiên cứu, tổng giá trị các thương vụ có giá trị lớn trên 100 triệu USD tại Đông Nam Á cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Cento Ventures nhận định có nhiều thương vụ đầu tư lớn bị trì hoãn trong nửa đầu năm nay cũng gây ảnh hưởng đến Việt Nam.

Điểm sáng là số lượng thương vụ đầu tư tại khu vực lại có xu hướng tăng nhẹ, cho thấy các startup đang ở vòng vốn nhỏ vẫn được nhà đầu tư rót vốn, tạo động lực tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo.

Khi đại dịch xảy ra, nhiều quỹ đầu tư trong nước cũng được thành lập mới để hỗ trợ tốt hơn các startup nhỏ. Nhiều thương vụ doanh nghiệp Việt đầu tư cho startup Việt như FPT mua lại base, Momo mua lại Pique... cũng là xu hướng tích cực của thị trường.

Lũy kế từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia có doanh nghiệp mua lại nhiều startup nhất trong khu vực. Xu hướng nguồn vốn mạo hiểm trong nước đang thu hẹp khoảng cách với nguồn vốn ngoại được kỳ vọng giúp startup Việt tiếp tục phát triển trong bối cảnh phục hồi kinh tế.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước