Xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm: Còn gặp khó

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 13/09/2019 11:00 GMT+7

VTV.vn - "Gặp khó" hay "bị ảnh hưởng" là những cụm từ được báo chí dùng làm tiêu đề cho nhiều bài viết về xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm.

Danh sách những mặt hàng "gặp khó" là một danh sách dài: gạo, rau củ quả, hạt tiêu, dệt may... Báo Chính phủ khi phân tích báo cáo của Bộ Công Thương đã lấy tiêu đề "Xuất khẩu những tháng cuối năm khó đạt mức tăng mạnh".

Tờ báo này cho biết, những yếu tố rủi ro cho xuất khẩu của Việt Nam gia tăng chính là hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Đồng Nhân dân tệ đang ở mức thấp kỷ lục 11 năm qua, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn. Nông lâm thủy sản chịu cạnh tranh gay gắt, những thị trường nhập khẩu truyền thống đều gia tăng bảo hộ nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản đối với Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất chất bán dẫn, chip và màn hình tại Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng nhà máy các công ty này tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

"Xuất khẩu gạo bốc hơi 300 triệu USD" là bài viết trên tờ Đầu tư, hay "Dệt may gặp khó vì đơn hàng bị chia nhỏ" là tiêu đề của báo Chính phủ, phân tích hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính, khi những quy định về điều kiện nhập khẩu ngày càng khó.

Không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất, mà nước này cũng gia nhập "câu lạc bộ" xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Các động thái trên làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Trong khi đó mặt hàng may mặc, bên mua lo lắng thương chiến còn tiếp tục nên các đơn hàng bị "chia nhỏ" thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.

Trong khi đó, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp gạo rời cuộc chơi vì điều kiện xuất khẩu ngày càng khắt khe. Việc tìm thị trường khác thay thế như châu Phi, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam ở châu Phi cũng không lớn vì chi phí vận chuyển cao hơn so với Ấn Độ.

Tiền đồng đang tăng so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực và thế giới. Ðể có thể hỗ trợ xuất khẩu, Việt Nam có nên linh hoạt về tỷ giá? Đây là câu hỏi của tờ Tin nhanh chứng khoán đặt ra với TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc. Ông Thành cho biết: "đồng Việt Nam từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ vẫn duy trì sự ổn định, nếu có tăng cũng sẽ không tăng quá 2% bởi các cán cân thanh toán tổng thể đang tích cực".

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tăng trưởng nền kinh tế, thay vì chính sách tiền tệ, Việt Nam cần áp dụng chính sách tài khóa với những công cụ như tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu bằng cách giảm thuế suất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ðây là những giải pháp chính sách mà chúng ta có thể tính đến, mà không cần can thiệp nhiều về tỷ giá.

Tạp chí Thông tin Đối ngoại cho rằng, thách thức nhưng vẫn có thuận lợi đan xen. Xuất khẩu sẽ vẫn tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm cho các DN tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả nhằm hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu da giày, túi xách vào thị trường Nga Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu da giày, túi xách vào thị trường Nga

VTV.vn - Với lợi thế là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, ngành da giày, túi xách Việt Nam kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng về thương mại với Liên bang Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước