Theo dòng lịch sử: FIFA World Cup 1934 – Italia

-Thứ hai, ngày 26/05/2014 01:08 GMT+7

Ta tài năng, ta có quyền. Câu nói này xem ra rất hợp lí khi đưa vào trường hợp của nhà ĐKVĐ thế giới Uruguay trong bối cảnh World Cup 1934 tại Italia đang cận kề. Dù lên ngôi VĐ World Cup đầu tiên một cách đầy ấn tượng, song nó vẫn không thể khiến quốc gia Nam Mĩ này “quên” đi nỗi uất ức khi bị nhiều đội bóng châu Âu… từ chối lời mời dự World Cup bốn năm trước đó. Đau thương biến thành hành động, Uruguay cũng đáp lại tấm thịnh tình của chủ nhà Ý cũng như các đội tuyển châu Âu năm 34 bằng một quyết định hết sức lạnh lùng, bỏ giải. Thiếu vắng đội tuyển được xem là mạnh nhất thế giới khi đó, sức hút của VCK World Cup thứ hai trong lịch sử đã giảm đi ít nhiều nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một kì World Cup còn rất nhiều điều thú vị đáng để được chờ đợi.

 

Poster của World Cup 1934

TỔNG QUAN

Chủ nhà: Italia

Thời gian: từ 27/5 đến 10/6 năm 1934

Thể thức: loại trực tiếp

CÁC ĐỘI TUYỂN THAM DỰ

Thành công của kì FIFA World Cup đầu tiên trên đất Uruguay đã khiến số lượng đăng kí tham gia World Cup lần này tăng lên chóng mặt. Với việc giải đấu sẽ được tổ chức theo thể thức 16 đội loại trực tiếp cũng đồng nghĩa rằng 32 đội bóng đăng kí sẽ phải tham dự vòng sơ loại, kể cả… nước chủ nhà.

Khác với kì World Cup đầu tiên chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của các đội bóng châu Mĩ, World Cup 1934 tại châu Âu lại cho thấy điều ngược lại khi chỉ có đúng 3 đại diện của khu vực này giành quyền tham dự là Brazil, Argentina và Mĩ trong khi “chủ nhà” châu Âu có tới 12 đại diện. Suất tham dự còn lại ghi nhận đội bóng đầu tiên trong lịch sử tham dự World Cup mà không thuộc hai châu lục kể trên, đó chính là Ai Cập.

Danh sách 16 đội: Italia – Tiệp Khắc – Đức – Áo – Tây Ban Nha – Thụy Sĩ – Thụy Điển – Hà Lan – Hungary – Rumani – Pháp – Bỉ - Brazil – Argentina – Mĩ và Ai Cập.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC

Vô địch: Italia

Á quân: Tiệp Khắc

Hạng ba: Đức

Vua phá lưới: Oldrich Nejedly (Tiệp Khắc, 5 bàn)

Số trận đấu: 17

Số bàn thắng: 70 (trung bình 4.1 bàn/trận)

ĐIỂM NHẤN CỦA “ORIUNDI”

 



Huyền thoại Luis Monti

World Cup 1934 nổi tiếng vì nhiều thứ và một trong số đó chính là câu nói của huyền thoại Luis Monti: “Vì mạng sống của mình, tôi phải thua tại Montevideo (Uruguay), và cũng vì mạng sống của mình, tôi phải thắng tại Rome (Italia)”, nhưng trước khi tìm hiểu về câu nói nổi tiếng trên, chúng ta hãy cùng nói về Oriundi và đại diện của nó tại World Cup 1934 lần này chính là Monti. Oriundi là một từ trong tiếng Ý, số nhiều của từ Oriundo dùng để chỉ những cầu thủ ngoại quốc, nhập tịch và chơi bóng cho ĐT Italia. Oriundi trong thời điểm hiện tại có thể kể đến là Balotelli (Ghana), El Shaarawy (Ai Cập) hay Thiago Motta (Brazil) còn với năm 1934 đó là Luis Monti, Raimondo Orsi và Henrique Guaita đều của Argentina. Luis Monti nổi tiếng nhất trong ba Oriundi của Italia năm 34 không chỉ vì tài năng chơi bóng thiên bẩm mà còn vì yếu tố lịch sử khi ông là cầu thủ duy nhất góp mặt trong hai trận CK World Cup… trong màu áo hai đội tuyển khác nhau, trước đó năm 1930 là Argentina.

Trở lại câu nói lúc đầu của Monti, thực chất đây là một lời phát biểu có phần hơi “quá” của huyền thoại bóng đá xứ mì ống nhưng xét ra, nó ít nhiều cũng có những cơ sở khi mà người ta cho rằng tuyển Argentina đã phần nào đấy dâng cúp cho chủ nhà Uruguay bốn năm trước vì… sợ. Phải cụ thể hơn một chút ở đây, trận CK World Cup 1930 giữa chủ nhà Uruguay và đội láng giềng Argentina diễn ra trên SVĐ Centenario có sức chứa tới 93.000 chỗ ngồi và không khó để hình dung được sự áp lực đến nghẹt thở mà các CĐV của La Celeste đã tạo ra. Argentina có thể thắng nhưng liệu với sự “chuyên nghiệp” của công tác an ninh cũng như điều kiện sân bãi thời đó, ai dám đảm bảo cái chảo lửa gần “10 vạn quân” kia không thể vỡ ra bất cứ lúc nào và đấy có thể là lời lí giải cho vế đầu của Luis Monti.

Vế thứ hai, Monti lại phải chống chọi với sức ép của khán giả nhà Italia trong trận CK với Tiệp Khắc nhưng sẽ là lỗi lầm lớn nếu đổ tại hoàn toàn cho những tifosi bởi nguyên nhân sâu xa của câu nói này lại đến từ yếu tố chính trị. Nhà độc tài quân sự Mussolini muốn dùng World Cup 1934 để biểu dương sức mạnh chủ nghĩa phát xít Italia nên nhiệm vụ chiến thắng được ngầm hiểu là bắt buộc với Monti và các đồng đội. Chẳng biết nếu Italia thua thì điều gì sẽ xảy ra nhưng yếu tố chính trị nói trên ít nhiều cũng là một động lực không nhỏ giúp tuyển Ý chiến thắng, vô địch và với Monti, là “để sống”.

CHỦ NHÀ… LẠI VÔ ĐỊCH

 

Các cầu thủ Italia ăn mừng chức vô địch

Đúng như dự đoán của NHM, tuyển Ý đã có một hành trình World Cup trên sân nhà đầy dễ dàng nhờ phong độ cao của các tuyển thủ mà đặc biệt là huyền thoại của CLB Inter Giuseppe Meazza, nhưng điều này chỉ xảy ra trước khi Italia chạm trán “đại gia” Tiệp Khắc trong trận đấu chung kết. Tại Roma ngày 10/6/1934, trận CK thu hút 50.000 khán giả này đã chứng kiến một tuyển Ý bị lép vế thực sự trước các cầu thủ đến từ xứ Tiệp khi họ liên tục phải chống đỡ những đường lên bóng đầy sức nặng và dù sớm hay muộn, bàn thắng mở tỉ số cũng đến với đội bóng phía đông Âu. 9 phút còn lại của trận đấu, khi mà người ta đã bắt đầu nghĩ về chiếc cúp VĐ mang tên Tiệp Khắc thì người Ý đã chứng tỏ được ưu thế sân nhà cùng một tinh thần thi đấu tuyệt vời. Màn lội ngược dòng ngoạn mục của Ý bắt đầu bằng một Oriundi là Orsi trước khi Schiavo ghi bàn thắng quyết định trong hiệp phụ, đem về chức VĐ đầu tiên trong lịch sử bóng đá hình chiếc ủng.

TRUNG VỆ XUẤT HIỆN

HLV tuyển Đức, ông Hugo Otto đã tạo nên một dấu ấn mang tính lịch sử giúp Đức hạ gục người láng giềng Áo trong trận đấu tranh HCĐ. Cụ thể, ông đã thay đổi lối chơi truyền thống khi đó là 2-3-5 với hai hậu vệ thành 3-2-5 bằng cách kéo tiền vệ giữa là Fritz Szepan lùi xuống đá cùng hai cầu thủ làm nhiệm vụ phòng ngự và lịch sử đã không chỉ gọi tên Otto mà còn cả Szepan như là trung vệ đá thòng đầu tiên.

KHÔNG THỂ KHÔNG… HÀI HƯỚC

Bên cạnh việc Uruguay bỏ giải vì… dỗi, vấn đề các đội tuyển tham dự FIFA World Cup 1934 trên đất Ý còn một câu chuyên khá hài hước khác. Số là sau khi vòng loại kết thúc, đội tuyển Mĩ mới nộp đơn dự giải nhưng vẫn được FIFA chấp thuận. Họ yêu cầu đội bóng xứ cờ hoa phải đá play-off với Mexico – đội bóng đã vượt qua vòng loại và đã có mặt ở Italia và thật chớ trêu cho El Tri (biệt danh của Mexico) khi họ thất bại trong trận play-off. Mexico tỏ ra vô cùng ấm ức với cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của FIFA nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn và kết quả, họ là đội bóng duy nhất trong lịch sử giành quyền góp mặt mà chẳng được chơi bất cứ trận nào.

Một yếu tố lịch sử nữa là việc vòng tứ kết của World Cup 1934 đã chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của cả thảy… 8 đại diện đến từ châu Âu sau khi các đội tuyển bên ngoài cựu lục địa là Argentina, Brazil, Mĩ và Ai Cập sạch bóng sau vòng một. Kỉ lục này vẫn đang tồn tại và chẳng biết đến khi nào, cũng có thể là không bao giờ bị phá khi mà khoảng cách bóng đá giữa các châu lục trên TG vẫn đang được thu hẹp từng ngày.

Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)


Cùng chuyên mục

TIN MỚI